Tăng sức đề kháng cho gia đình

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia y tế nhận định rằng, việc quan trọng nhất của mỗi người dân là phải tăng sức đề kháng, có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất từ những bữa ăn trong gia đình để góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.

Lo nhiễm bệnh, mua đủ loại thực phẩm
Để tăng sức đề kháng cho cả gia đình vào thời gian này, chị Nguyễn Thị Vân (quận Nam Từ Liêm) mua đủ loại thực phẩm nhằm cung cấp đủ lượng dinh dưỡng và các vi chất cần thiết. “Để đối phó với dịch Covid-19, giai đoạn này, gia đình tôi tăng cường sử dụng nhiều thực phẩm có tính kháng khuẩn cao như hành, tỏi, gừng, sả, chanh… Đặc biệt, gia đình luôn thực hiện nghiêm ngặt ăn chín, uống sôi, vệ sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế” - chị Vân chia sẻ.
 Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị Nhung - Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, để cơ thể khỏe mạnh, chúng ta nên ăn đa dạng thực phẩm với số lượng cụ thể trong tháp dinh dưỡng cho người Việt Nam. Chúng ta cần có chế độ ăn đủ năng lượng, cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể, vì đây là nguyên liệu quan trọng để tạo nên các kháng thể. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật (như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa…) và protein thực vật (từ các loại đậu…). Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A, C, D, E, sắt, kẽm, Selen, đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Cùng với đó, tăng cường sử dụng một số thực phẩm, gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… giúp kích thích hệ thống miễn dịch thông qua kích hoạt các cytokin, hoạt hóa đại thực bào để thực hiện chức năng miễn dịch. Ngoài ra, nhóm thực phẩm chứa flavonoid (rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh…) cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể.
Thực hiện bổ sung vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất dinh dưỡng hoặc sản phẩm dinh dưỡng có chứa vi chất sắt, kẽm, vitamin A, D, E…) nếu khẩu phần ăn không đủ các chất dinh dưỡng nói trên hoặc khi cơ thể được bác sĩ dinh dưỡng chẩn đoán là bị thiếu vi chất dinh dưỡng.
Bảo đảm vệ sinh thực phẩm
Nhấn mạnh về việc tăng sức đề kháng tốt nhất cho trẻ trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm, TS Nghiêm Nguyệt Thu - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Lão khoa T.Ư cho rằng, giai đoạn này, cha mẹ cần cho trẻ ăn đa dạng và đầy đủ các thực phẩm tăng cường miễn dịch tự nhiên như thịt, cá, trứng, các loại quả chín, các loại sữa chua có probiotic cũng giúp tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa, tăng sức đề kháng. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần duy trì nuôi con bằng sữa mẹ. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ cần đưa ra chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ có cân nặng và chiều cao đạt tiêu chuẩn.
Đặc biệt, ở thời điểm này, người dân nên lưu ý chế độ dinh dưỡng cho các đối tượng đặc biệt trong bệnh viện. Đối với từng loại bệnh khác nhau sẽ xây dựng thực đơn cho từng người, từng bệnh nhân. Với người cao tuổi, chúng ta nên bổ sung thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, lạc, vừng, sản phẩm chế biến từ đậu.
Tăng cường ăn rau xanh và quả chín ít ngọt, giúp người cao tuổi bổ sung thêm lượng vitamin, chất khoáng đồng thời giúp chống bệnh táo bón, hạn chế tăng đường huyết, kiểm soát cân nặng và chống lão hóa hiệu quả. Một khẩu phần cho người "có tuổi" thường chỉ 1.600 calo/ngày là đủ.
GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, ở thời điểm này, chúng ta nên thực hiện tốt 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý. Đó là ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: Chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ. Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng lạc. Sử dụng muối iốt, không ăn mặn; cần ăn rau quả hàng ngày. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt.
Ngoài ra, chúng ta phải uống nước đúng cách. Mỗi ngày, mỗi người phải uống đủ từ 2,5 - 3 lít, không nên chờ khi cổ họng khô khát mới uống. Đặc biệt, chúng ta phải thực hiện nghiêm ngặt việc ăn chín uống sôi, ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường các loại thực phẩm cung cấp các vi chất. Người dân phải bảo đảm đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần