Tăng thuế môi trường xăng dầu: Nhiều Bộ “chê” lý do chưa thuyết phục

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Góp ý về dự thảo Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, một số Bộ, ngành được lấy ý kiến cho rằng, các chính sách tại dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường và báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính chưa thể hiện được sự cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội nước ta hiện nay.

“Các lý do đưa ra cũng chưa thống nhất và thuyết phục, đặc biệt là so sánh giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam với một số nước trên thế giới”- văn bản góp ý của Bộ VHTT&DL.
So sánh giá xăng dầu Việt Nam với một số nước trên thế giới là chưa thuyết phục

Nội dung văn bản của Bộ VHTT&DL cho rằng, Dự thảo Bộ Tài chính đưa ra chưa có nội dung rà soát những nội dung trùng lắp của các loại thuế khác nhau với cùng một loại sản phẩm, hàng hóa (xăng, dầu, nylon, than đá…) nhằm tránh việc thuế chồng thuế. Hồ sơ cũng chưa làm rõ được cơ sở khoa học của chính sách điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường. “Bản chất của việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường là nhằm mục đích bù đắp cho ngân sách Nhà nước, khi Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu các loại hàng hóa như xăng, dầu, than đá… Ngoài ra, tiền thu được sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước và chi cho nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có chi bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình lại chưa nói một cách thỏa đáng những nội dung này, gây hiểu nhầm quy định tăng thuế bảo vệ môi trường với thông điệp bảo vệ môi trường”- Bộ VHTT&DL phân tích.
 Ảnh mang tính chất minh họa.
Trước đó, Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ này đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ mức 3.000 đồng/lít lên kịch khung 4.000 đồng/lít; các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng.
Bộ Bộ Tài chính cho rằng giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á. Hiện, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít. Bộ Tài chính cũng cho biết, các nghiên cứu cho thấy hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường như xăng, dầu, túi nilon… trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. “Theo tính toán của các nhà khoa học, để trả lại môi trường thì thuế đối với các mặt hàng kể trên phải được điều chỉnh cao hơn rất nhiều” - Bộ Tài chính lập luận.
Cẩn trọng
Trong văn bản góp ý, nhiều bộ, ngành cho rằng cần cẩn trọng khi tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, bởi đó là mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến đời sống của người dân. Theo Bộ Công An, khi tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng như xăng, dầu, nhiên liệu bay, sẽ tác động đến giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, xã hội và nền kinh tế đất nước. Bộ Công an đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra biểu thuế phù hợp.
Đồng quan điểm trên, Bộ Công Thương cũng nói phải xem xét, tính toán cẩn trọng khi tăng thuế, do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc điều chỉnh thuế cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học (xăng E5, xăng E10) thay thế các loại xăng không chì. Ngoài ra còn cần đảm bảo giá xăng trong nước không biến động lớn, gây ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng.
Bộ GTVT thì cho rằng các mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến chi phí vận tải. Điều này ảnh hưởng đến các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là các giải pháp nhằm giảm chi phí vận tải logistics.
Đồng quan điểm này, các chuyên gia cũng cho rằng, Bộ Tài Chính chưa tính hết hệ lụy của việc tăng thuế xăng dầu. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nếu quan điểm, Bộ Tài chính mới chỉ tính một mặt là giá xăng dầu tăng, còn hệ lụy của nó thì chưa tính đến. Bởi xăng dầu là “đầu vào” của cả nền kinh tế, tác động đến mọi mặt đời sống. Giá xăng tăng thì tác động đến người tiêu dùng ra sao, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như thế nào... Bộ Tài chính đã đánh giá chưa?
Không chỉ vậy, tính định hướng tiêu dùng cũng không rõ ràng. “Thu thuế bao vệ môi trường mục đích là bảo vệ môi trường, nhưng với mặt hàng xăng dầu nó không có tính điều tiết, vì ở Việt Nam làm gì có lựa chọn nào khác ngoài xăng dầu đâu. Ở đây, rõ ràng yếu tố tăng thu rất đậm nét” – ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.