Tăng thuế thuốc lá để giảm tiêu dùng

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá là việc cần thiết để giảm sức tiêu thụ mặt hàng này, đồng thời tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Đó là ý kiến đã được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo về Thuế thuốc lá do Liên minh Công bằng Thuế phối hợp với Oxfam tổ chức ngày 8/5.

 Ảnh minh họa
Giá thuốc lá tại Việt Nam thấp 
Ông Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn thống kê của tổ chức này năm 2017 cho thấy, tỷ lệ thuế của Việt Nam trong giá bán lẻ thuốc lá đang ở mức rất thấp. Tỷ lệ này của Việt Nam chỉ là 35% trong khi trung bình thế giới là 58,6%. So với các nước ASEAN, tỷ lệ trên của nước ta hiện chỉ cao hơn Campuchia, Lào, Myanmar trong khi đó thấp hơn một loạt nước khác như: Thái Lan, Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia… Điều này là một phần khiến cho giá thuốc lá trung bình của Việt Nam là đứng gần cuối bảng trong so sánh với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương.

Ở một hướng khác, Ths Đào Thế Sơn - giảng viên Đại học Thương mại nhìn lại lộ trình tăng thuế TTĐB với thuốc lá những năm gần đây: Năm 2008 mức thuế là 65%, năm 2016 là 70% và năm 2019 dự kiến là 75%. Ông Sơn khẳng định, khoảng cách giữa những lần tăng thuế là quá xa trong khi mức điều chỉnh thấp, chỉ 5% mỗi đợt. Với tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ của Việt Nam chỉ là 35%, mỗi đợt tăng giá chỉ khiến giá thuốc lá tăng khoảng vài trăm đồng/bao. Mức tăng này thậm chí còn không theo kịp mức tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân. Theo ông Sơn, lộ trình tăng thuế thời gian qua là thiếu hiệu quả.
2 phương án thuế

Theo thống kê của WHO cho biết, trong thế kỷ XXI, trên thế giới đã có khoảng 1 tỷ người tử vong do hút thuốc lá. Đáng chú ý, mỗi năm có tới 600.000 ca tử vong do hút thuốc lá thụ động, trong đó tới 64% là phụ nữ. Để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, các nước trên thế giới đã dùng nhiều biện pháp khác nhau về giá và thuế. Đây được cho là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên. “Theo ước tính của WHO và Ngân hàng Thế giới, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển. Đặc biệt sẽ giảm tiêu thụ tới 10% ở trẻ em và người nghèo” - ông Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ.

Đặc biệt, theo Ngân hàng Thế giới, trên phạm vi toàn cầu khi tăng thuế thuốc lá lên 10% sẽ làm tăng thu thuế cho Chính phủ các nước trung bình khoảng 7%.

Tại Dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề nghị điều chỉnh phương án tính thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá theo 2 phương án. Phương án 1 là áp dụng thu thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 10.000 đồng/một điếu xì gà. Quy định này áp dụng từ ngày 1/1/2020. Phương án 2 sẽ là tăng thuế suất thuế theo lộ trình: Từ ngày 1/1/2020 tăng từ mức thuế suất 75% lên 80%; từ ngày 1/1/2021 tăng từ mức thuế suất 80% lên mức 85%.

Trước đề xuất này, ông Đào Thế Sơn cho rằng, tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá là điều cần thiết để làm giảm chênh lệch giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá và giảm thuốc lá giá rẻ. Đồng thời sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ quản lý và dễ dự đoán về mức thu ngân sách từ thuế.