Tăng tiện ích tối đa cho người dân, doanh nghiệp

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Cùng với đổi mới chỉ đạo, điều hành theo hướng “5 rõ” và “một việc - một đầu mối xuyên suốt”

Hà Nội chọn giải pháp hiện đại hóa nền hành chính bằng việc tăng cường ứng dụng CNTT nhằm xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan từ TP đến tận cấp xã để phục vụ tốt nhất cho người dân, DN.

Tạo thuận lợi nhất
Từ năm 2016 đến nay, việc ứng dụng CNTT của TP có nhiều điểm mới và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết TTHC tại từng cơ quan, đơn vị, giúp nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT ở mọi cấp, ngành... Đánh giá về hiệu quả hiện đại hóa nền hành chính của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực quản lý nhà nước tại TP đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét không chỉ trong chỉ đạo, điều hành mà còn giúp cải cách TTHC trong các lĩnh vực phục vụ DN và đời sống dân sinh, như: Y tế, giáo dục, giao thông, cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, BHXH, BHYT cho người lao động… TP đã khai thác cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong các lĩnh vực tư pháp, mã số định danh công dân, tuyển sinh trực tuyến các trường mầm non, lớp 1, lớp 6; thí điểm khu dân cư, trường học điện tử…
 Cán bộ bộ phận Một cửa UBND phường Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm) giải quyết TTHC cho công dân.
Để hỗ trợ DN CNTT khởi nghiệp hiệu quả, TP đã lập “Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội”. Thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT bước đầu giúp tiết giảm chi phí đi lại nộp và nhận hồ sơ, chi phí giấy tờ… cho các đơn vị sử dụng lao động. Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2017 trên địa bàn TP cũng đã được ban hành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để hỗ trợ tối đa cho người dân, UBND TP đầu năm nay đã xác định sử dụng các thông tin sẵn có từ cơ sở dữ liệu dân cư của TP và thông qua khám sức khỏe cho người dân để xác định những thông tin cơ bản về tình trạng sức khỏe trong hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, lập sổ sức khỏe điện tử, kết nối qua mạng 41 bệnh viện thuộc tuyến huyện và các bệnh viện T.Ư để cập nhật kết quả khám chữa bệnh của người dân. Việc liên thông “3 trong 1” TTHC khai sinh-hộ khẩu-cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi đến nay cũng áp dụng tại 30 quận, huyện với 584 xã, phường, bằng hình thức giao dịch điện tử và chuyển kết quả qua bưu điện, đã giảm thời gian cấp thẻ từ 7 ngày còn dưới 2 ngày (tại quận) và dưới 3 ngày (tại huyện).
Phấn đấu trên 80% người dân, tổ chức, DN hài lòng
Một kết quả nổi bật trong ứng dụng CNTT là đến nay, toàn TP đã thiết lập hệ thống cung cấp 5 DVCTT mức độ 3 thuộc lĩnh vực tư pháp và triển khai xuống 100% xã, phường, thị trấn; có 2.507 TTHC được cung cấp trực tuyến trên cổng giao tiếp điện tử, trong đó 374 TTHC được cung cấp ở mức độ 3 và 81 TTHC được cung cấp ở mức 4. Riêng nửa đầu năm nay, TP đã vận hành 53 TTHC theo DVCTT mức độ 3 (với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 90,54%) và vận hành 2 TTHC theo DVCTT mức độ 4.
Từ quyết tâm của TP, mọi sở, ngành, quận, huyện và tận xã, phường đều quyết liệt nhiều giải pháp tăng tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT. Như tại quận Hai Bà Trưng, từ tháng 8/2016, 20 phường chính thức triển khai DVCTT mức độ 3 về liên thông TTHC cho trẻ dưới 6 tuổi và thủ tục khai tử, xóa đăng ký khai tử. Nếu trong một tháng đầu, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến tại các phường mới đạt trung bình 30% thì nay, nhiều phường đạt 100% như Bách Khoa, Quỳnh Lôi, Vĩnh Tuy…, trong đó trên 10% do người dân tự nộp hồ sơ qua mạng ngay từ nhà. Tại phường Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm), nhờ nỗ lực của các cán bộ nhất là trong tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT, từ đầu năm đến nay, UBND phường đã giải quyết 279 hồ sơ theo DVC mức độ 3, với trên 99% đúng hạn; 96% ý kiến công dân nhận xét “tốt” và “rất tốt” về thái độ phục vụ của cán bộ “Một cửa”... Hay tại quận Hà Đông, hiện 100% phường đều có 2 - 3 điểm truy cập internet đặt ngay tại khu dân cư để hỗ trợ công dân thực hiện DVCTT.
“Có được kết quả này, cũng nhờ TP đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ công tác CCHC ở mọi cấp, ngành, với mục tiêu xuyên suốt là hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, tạo đột phá về ý thức trách nhiệm của cán bộ, phục vụ Nhân dân, tổ chức, DN ngày càng tốt” - Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn khẳng định và cũng cho biết: TP đã xây dựng lộ trình thực hiện trong từng năm, từng giai đoạn, trong đó đảm bảo cung cấp 70 - 80% DVCTT mức độ 3, 4 tại các cơ quan, đơn vị từ nay đến năm 2020, đưa mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, DN với phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đến năm 2018 đạt trên 80%.
Chúng tôi rất hài lòng với việc triển khai DVCTT. Nhất là việc lập các điểm truy cập internet đặt ngay tại khu dân cư để hỗ trợ công dân thực hiện DVCTT thực sự là bước cải cách rất lớn, giúp người dân không còn phải đến UBND phường, mất thời gian chờ đợi, mà chỉ việc ra ngay gần nhà, được cán bộ hướng dẫn nộp qua mạng rất nhanh gọn.
Bà Trần Thị Huệ Tổ dân phố 8 phường Vạn Phúc, quận Hà Đông 

Hà Nội từ vị trí thứ 3 đã vươn lên đứng thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT; vươn lên thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016, cải thiện 10 bậc so với năm trước, lần đầu tiên sau nhiều năm đã bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt. Đặc biệt, theo công bố mới đây của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Hà Nội đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2016 của bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh, tăng 6 bậc so với năm trước.
           

 
.