Tăng tính liên kết, tạo động lực mới cho vùng Kinh tế Đông Nam Bộ

Trọng Mạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Các nhiệm vụ chiến lược cấp Vùng phải thực hiện gồm: Quy hoạch, phân bố nguồn lực cấp Vùng; phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho Hội đồng Vùng... Cho nên phải tầm Thủ tướng làm Chủ tịch thì mới điều phối được”- PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đề xuất vào chiều 26/9 tại TP Hồ Chí Minh trong hội thảo “Tái cơ cấu kinh tế vùng Đông Nam Bộ”.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, trong quy hoạch này phải nêu rõ: "Hạt nhân phát triển Vùng" nghĩa là gì - chức năng, cấu trúc, điều kiện bảo đảm? Vai trò chức năng, vị thế của các địa phương trong Vùng? Cơ chế phát triển Vùng: Cơ chế huy động và hội tụ sức mạnh cấp Vùng? Cơ chế liên kết - hội nhập phát triển nội Vùng, liên Vùng, tính chủ động của từng địa phương?
Ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Vùng Đông Nam bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng hàng đầu của cả nước, là “cửa ngõ” kinh tế và cầu nối của Việt Nam ra thế giới. Khu vực này đang hội tụ những lợi thế vượt trội và có nhiều điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Đến nay, vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 40% GDP, đóng góp gần 60% nguồn thu ngân sách quốc gia.
 Ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương
Ông Lê Viết Thụy - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định mặc dù mức đóng góp GDP lên tới 60%, tuy nhiên vùng kinh tế Đông Nam Bộ vẫn chưa phát huy hết được các mục tiêu đề ra. Trong mục tiêu phát triển, các đơn vị vẫn chưa thực hiện được các mục tiêu mà chủ yếu là theo tính địa phương. Bên cạnh đó, Hội đồng của vùng không có sự quyết định, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, hiện tại không thể thực hiện một cách đồng bộ. “Mặc dù cơ chế chính sách của địa phương đã hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng vẫn chưa thể đồng bộ, thương hiệu sản phẩm chưa có giá trị cao để cạnh tranh trên thị trường", ông Thụy nói.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu so sánh với các vùng kinh tế khác trong cả nước như miền Trung, Tây Nguyên hay ĐBSCL thì vùng Đông Nam Bộ có lợi thế hơn hẳn. Cái mà các vùng kinh tế khác thiếu thì ở đây, khu vực này lại khá mạnh. “Cụ thể, chúng ta có đầu tàu rất mạnh là TP HCM đã và đang là vùng kinh tế lớn của cả nước. Có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đóng trụ sở tại TP HCM và bước đầu cũng đã có thể chế là có Hội đồng của vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, đối với vùng Đông Nam Bộ thì khái niệm này rộng hơn so với vùng kinh tế trọng điểm. Chính vì vậy, cho nên chúng ta sẽ phải bàn về cách vận hành của Hội đồng này”, ông Lộc nói.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế vùng trong giai đoạn tới là định hướng đã được Chính phủ đặt ra. Các địa phương, các bộ, ban, ngành, các chuyên gia kinh tế đều nhận thức sự cần thiết phải phát triển kinh tế vùng ở Việt Nam. Tuy nhiên thực tế là liên kết vùng và phát triển kinh tế vùng ở nước ta còn rất yếu, hầu như chưa thực hiện được.
Có mặt tại phiên thảo luận, ông Cao Tiến Dũng – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp chiếm cơ cấu GDP 58%, thương mại dịch vụ 37%, còn lại là nông nghiệp. Theo ông Dũng, vùng Đông Nam Bộ rất rộng lên tới 9 tỉnh, nên xác định ở phạm vi hẹp tầm 4- 5 tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội tương đồng nhau thì sẽ làm được việc là dễ ngồi lại với nhau hơn để tập trung nguồn lực phát triển vùng nhỏ trước. Sau khi vùng nhỏ làm tốt thì sẽ mở rộng ra. Chứ như hiện nay, qua thời gian vừa rồi, việc liên kết vùng nhỏ làm chưa tốt, khi thực hiện liên kết vùng lớn sẽ rất khó.
Tuy nhiên, theo ông Cao Đức Phát kết luận, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ông Phát chỉ ra một số hạn chế cơ bản. Một là, vùng Đông Nam Bộ về cơ bản vẫn chưa chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng với giá trị gia tăng cao. Hai là, kết cấu hạ tầng của vùng chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ba là, chất lượng đô thị còn thấp, các khu công nghiệp chồng chéo về chức năng. Bốn là, chậm hình thành các trung tâm khoa học, công nghệ sáng tạo trình độ quốc tế. Năm là, giữa các tỉnh, thành phố còn thiếu sự phối hợp. Sáu là, mặc dù có Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm, Ban Chỉ đạo, nhưng các tổ chức này hoạt động kém hiệu quả do thiếu cơ chế có hiệu lực để thực thi các quyết sách được thống nhất.
"Vì vậy, những kiến nghị, đề xuất của Diễn đàn không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn góp phần quan trọng để hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh liên kết và phát triển kinh tế - xã hội các vùng khác trong phạm vi cả nước", ông Cao Đức Phát khẳng định.