Tăng tốc mạnh mẽ để về đích

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, Hà Nội hoàn thành toàn bộ 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đây chính là nền tảng vững chắc để TP tự tin bước sang năm 2020, năm về đích của kế hoạch 5 năm với chủ đề “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp”.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra công trình xây dựng đường đua F1 tháng 4/2019.
Nguồn: Cục Thống kê TP Hà Nội
Điểm sáng về môi trường đầu tư
Năm 2019, năm thứ hai Hà Nội thực hiện chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, ngay từ đầu năm, các ngành, các cấp của TP đã đổi mới phương thức hoạt động theo hướng sâu sát, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả. Nhìn lại năm qua có thể thấy, với tinh thần quyết liệt và nhiều sáng tạo trong điều hành, Hà Nội đã đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Thu hút vốn đầu tư tăng cao, giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm…
Những con số là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Trong đó, GRDP tăng 7,62%, đạt kế hoạch đề ra và cao hơn nhất trong 10 năm gần đây. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 127,6 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng 20,3%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 260.000 tỷ đồng, tăng trên 10% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 383,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9%.
Năm 2019, Hà Nội tiếp tục phát huy và duy trì được danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, điểm đến an toàn với hơn 2.000 sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được tổ chức trên địa bàn được bảo vệ tuyệt đối an toàn và được đánh giá cao. Qua các sự kiện được tổ chức thường xuyên tại đây, TP đều kết hợp với quảng bá con người Hà Nội, hình ảnh của Hà Nội, con người Việt Nam, hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Minh chứng cụ thể khách du lịch đến Hà Nội tăng trên 10%, trong đó khách quốc tế tăng 17% so với năm 2018. Hà Nội được lựa chọn là một trong nhưng điểm đến hấp dẫn. Ngày 30/10/2019, UNESCO đã chính thức ghi danh Hà Nội vào Mạng lưới 246 “Thành phố sáng tạo”.
Điểm nhấn trong năm 2019 là môi trường kinh doanh TP tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ nhờ kết quả cải cách hành chính, giúp Hà Nội thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. TP đã chỉ đạo các đơn vị liên tục rà soát để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, kịp thời báo cáo UBND TP có biện pháp tháo gỡ, giải quyết cho nhà đầu tư, sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện. Cùng với đó, trong năm 2019, lãnh đạo TP đã tiếp đón khoảng 150 đoàn DN tìm hiểu về môi trường đầu tư của Hà Nội.
Trong quá trình tìm hiểu, triển khai đầu tư vào TP Hà Nội, các nhà đầu tư, DN đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện để tiến độ triển khai được nhanh chóng, hiệu quả. Thống kê cho thấy, năm 2019 thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,46 tỷ USD, cao nhất sau 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước, trong đó có 800 dự án cấp mới, 165 lượt dự án tăng vốn… và lũy kế trong 4 năm (2016 - 2019) là khoảng 22,7 tỷ USD, gấp 4 lần giai đoạn 2011 - 2015. Hà Nội cũng đã có thêm trên 285.000 DN được thành lập, cao nhất trong vòng hơn 30 năm qua; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Hà Nội đã trở thành một trong 10 tỉnh, TP có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 9 cả nước, tăng 4 bậc so với năm trước. Chỉ số (PCI) tăng 4 bậc so với năm trước, hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu nhiệm kỳ đề ra.
Nhờ quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới, TP có thêm 2 huyện và trên 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 6 huyện và 355/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 91,9%), trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hà Nội đã xây dựng và duy trì hơn 40 nhãn hiệu nông sản, 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ; 133 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 259 triệu đồng/ha/năm; đời sống nông dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đạt 51,48 triệu đồng, tăng so với mức 46,5 triệu đồng năm trước.
Không ngừng nâng chất lượng sống cho người dân
Cùng với kinh tế, các lĩnh vực quản lý đô thị, an sinh xã hội tại Hà Nội cũng khởi sắc. Nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đã được khởi công hoặc hoàn thành như Dự án thành phố thông minh, đường Vành đai 3 dưới thấp (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long), cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, mở rộng đường Âu Cơ... TP cũng chỉ đạo tích cực tháo gỡ khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch; đưa vào vận hành và phát huy hết công suất các nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì, Sông Đuống, Hà Đông, Trạm bơm tăng áp và bể chứa từ nguồn nhà máy nước Sông Đà. Đặc biệt, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch ước đạt 75% (kế hoạch 69%).
Văn minh đô thị của TP chuyển biến rõ nét khi hệ thống cây xanh, thảm cỏ, các công viên, vườn hoa, chiếu sáng thực hiện theo yêu cầu kỹ, mỹ thuật tiên tiến. Đáng chú ý, đã trồng thêm 350.000 cây xanh đô thị. Khởi công và đôn đốc tiến độ một số nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện Sóc Sơn, Sơn Tây…
Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị và được Bộ Chính trị thông qua theo Kết luận số 46-KL/TƯ ngày 19/4/2019. Quốc hội cũng đã thông qua “Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại các quận, thị xã của Hà Nội”. Dự kiến, việc triển khai mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn TP sẽ áp dụng từ năm 2021, sẽ thúc đẩy tiến trình xây dựng chính quyền kiến tạo, năng động, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động…
Hà Nội cũng đang làm tốt công tác an sinh xã hội. Trong những năm vừa qua, TP đã hoàn thành xây dựng nhà ở cho người có công, toàn bộ nhà ở cho người nghèo và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khác. Sau khi HÐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HÐND ngày 8/7/2019, quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống, TP đã thúc đẩy thực thi chính sách mới này. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của TP giảm còn 0,42%; có 9 quận, huyện không còn hộ nghèo gồm: Ba Ðình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Ðông, Ðông Anh, trong đó quận Hai Bà Trưng không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Hà Nội đang tiến gần đến mục tiêu, đến hết năm 2020 trên địa bàn TP sẽ không còn người nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều của Chính phủ.
Một điểm nhấn nữa trong năm vừa qua chính là những bước tiến vượt trội trong ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý, để hướng tới việc xây dựng chính quyền điện tử. Thống kê cho thấy, TP có 1.448 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (trong đó có 1.209 dịch vụ công mức độ 3 và 239 dịch vụ công mức độ 4). Ðến nay, 100% đơn vị trong hệ thống chính trị TP đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; thực hiện các thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia. Việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp hoạt động các cơ quan, đơn vị minh bạch hơn. Theo kết quả xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, TP. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc.
Khơi mở các nguồn lực để phát triển
Những kết quả đạt được trong năm 2019 là tiền đề vững chắc để TP bước vào năm 2020 - năm về đích trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của TP đã đề ra, năm kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng và Đảng bộ TP; 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, các sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam…
Với 27 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, biên chế, thu chi ngân sách đã được TP xác định, trong đó, nhiều chỉ tiêu được đặt ra với mức cao như tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 7,5%, thu nhập bình quân đầu người từ 136 triệu đồng trở lên, tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn hơn 10,5%... đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ từ các cấp, các ngành.
TP đã xác định chủ đề công tác năm 2020 là năm “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp”. Trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, hướng về cơ sở; chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên. Ðể hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, TP Hà Nội đã triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư; đẩy mạnh tăng trưởng, kiên trì các giải pháp cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN. Đồng thời, xây dựng và triển khai đề án nâng cấp chất lượng một số khu, điểm du lịch trọng điểm, phấn đấu lượng khách du lịch năm 2020 tăng 10 - 10,5%, trong đó, khách quốc tế tăng 16 - 17%…
 
Cùng với đó, tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự và xây dựng đô thị, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh các dự án xử lý rác thải, chất thải rắn, nước thải, thường xuyên kiểm tra công tác vận hành Khu xử lý rác Nam Sơn, Sóc Sơn và Khu xử lý rác Sơn Tây bảo đảm an toàn công tác tiếp nhận, xử lý rác thải… Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chuẩn bị tổ chức tốt Giải đua xe F1 lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội và cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31.
Đặc biệt, tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, Đại hội XIII của Ðảng. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện hiệu quả đề án thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội.
Như lãnh đạo TP đã khẳng định, Hà Nội sẽ chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách có tính đột phá góp phần khai thác nhanh và hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát, để bảo đảm các cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, tài chính - ngân sách, đầu tư... được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và góp phần thiết thực giải quyết các vấn đề dân sinh, nhất là các vấn đề dân sinh bức xúc. Từ đó nâng cao hơn nữa cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân Thủ đô.
 

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong:

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm 

Mục tiêu tổng quát trong định hướng phát triển năm 2020 của quận Đống Đa là sẽ tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác GPMB thực hiện các dự án, cải cách hành chính. Đặc biệt, thực hiện, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm (2016 – 2020). 

Thời gian tới, quận Đống Đa sẽ tập trung công tác thu ngân sách và chống thất thu thuế; rà soát quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế; tập trung quyết liệt thu hồi nợ đọng tiền thuê đất và tiền sử dụng đất của các cơ quan, DN trên địa bàn bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm.

Cùng với đó, quận tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng; tập trung giải quyết, phối hợp đôn đốc giải quyết các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng, nhất là các khu đất công, đất nông nghiệp, không để phát sinh các công trình vi phạm mới. Ngoài ra, quận tập trung thực hiện công tác GPMB các dự án theo kế hoạch… Tất cả vì mục tiêu xây dựng và phát triển quận Đống Đa theo hướng văn minh, hiện đại. (Trần Long ghi)

 

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu: 

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Năm 2020, quận Thanh Xuân đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu cả nhiệm kỳ mà Đại hội Đảng bộ quận lần thứ V đã đề ra. Với tinh thần “Quyết liệt, khẩn trương, chắc chắn và hiệu quả”, UBND quận Thanh Xuân đề ra và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019; hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2020, tiến tới hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm (2015 - 2020), góp phần lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

Năm 2020, quận tập trung thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, đặc biệt chú trọng công tác thu hồi nợ thuế; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách do UBND TP giao và Nghị quyết HĐND quận quyết nghị. Triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020 bảo đảm tiến độ chất lượng, thanh quyết toán kịp thời đúng quy định; chỉ đạo quyết liệt, tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án trường học phục vụ năm học mới.

Bên cạnh đó, quận tiếp tục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác cấp sổ đỏ; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; phối hợp với Sở TN&MT hoàn thành công tác xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, sổ đỏ. Ngoài ra, quận tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án: “Phát triển GD&ĐT quận Thanh Xuân” giai đoạn 2 (2018 - 2020), trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững vị trí “top đầu” TP; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới... (Hồng Thái ghi)