“Tăng tốc” thanh toán không tiền mặt

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Nghị quyết 02 ban hành 1/1/2019, Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, các công ty viễn thông,... trên địa bàn đô thị phải thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, máy POS. Nhiệm vụ này được Chính phủ yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.

 Ảnh minh họa
Cùng với sự phát triển của công nghệ, thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt đang là xu thế tất yếu khi mang lại nhiều tiện ích cho các bên. Với người dân, thanh toán không dùng tiền mặt giúp cho quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và giảm bớt chi phí, tránh các rủi ro phát sinh cho các chủ thể tham gia như tiền giả cũng như nguy cơ bị trộm, cướp. Với nền kinh tế đó là: Minh bạch hóa các giao dịch; chống thất thu thuế; giúp đồng vốn luân chuyển nhanh hơn; huy động thêm vốn cho nền kinh tế; giao dịch an toàn hơn; giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn tiền; kiểm soát, phát hiện các thanh toán phạm pháp...

Đơn cử, nếu như trước đây, những nhân viên ngành điện, nước phải đi gõ cửa từng nhà thu tiền hàng tháng thì nay, các chi phí sinh hoạt ấy đều được thanh toán qua ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian. Trên phạm vi cả nước, mỗi năm ước phát sinh khoảng 6,5 tỷ hóa đơn thanh toán. Việc có phương tiện thanh toán hiện đại thay thế, không dùng tiền mặt nữa, sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế.

Thực tế, thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Chính vì thế hình thức này đang có nhiều cơ hội phát triển ở thị trường Việt Nam. Tuy vậy, thói quen của người dân, tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng vẫn cản trở. Cơ sở hạ tầng và công nghệ mặc dù tiếp tục được chú trọng đầu tư song 63 tỉnh, thành chưa đồng bộ về dữ liệu, hạ tầng kết nối thanh toán với ngân hàng. Ngoài ra việc xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với một số vấn đề như mô hình đại lý ngân hàng, định danh khách hàng điện tử, tài chính số, thanh toán qua di động… phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường giải pháp an ninh bảo mật thông tin khách hàng là những đòi hỏi cấp thiết cần sớm hoàn thiện trong thời gian tới.

Nghị quyết của Chính phủ cũng giao NHNN nhiệm vụ yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đây là một tầm nhìn mang tính chiến lược của Chính phủ Việt Nam, hướng đến một xã hội văn minh, hiện đại. Mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán thấp hơn 10% là không hề đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của hệ thống ngân hàng, các công ty tài chính công nghệ cũng như các chính sách hỗ trợ quyết liệt của cả hệ thống. Giảm thanh toán tiền mặt ngành ngân hàng mới có thể tiến tới cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế cũng sẽ tiết kiệm được hàng tỷ USD. Quan trọng hơn là thanh toán phi tiền mặt sẽ giúp nền kinh tế minh bạch hơn, giúp DN và người dân thêm tin tưởng khi thực hiện các chính sách tài chính - tiền tệ.