Tăng trách nhiệm cộng đồng với di sản

Hà Thư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải đến khi 26 cổ vật ở 3 di tích của huyện Thanh Oai, Hà Nội mất trộm trong vòng chưa đầy một tháng của đợt dịch Covid-19, thì vấn đề về trông giữ, bảo vệ mới trở thành vấn đề báo động. Những cổ vật bán được với giá tiền tỷ và là tài sản vô giá của di sản đang trở thành miếng mồi ngon của lòng tham.

Đình Đại Định (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), nơi mất nhiều cổ vật quý giá thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Thanh
Liên tiếp đội nón ra đi
Các vụ trộm ở huyện Thanh Oai xảy ra vào khoảng giữa tháng 3 đến nửa đầu tháng 4/2020 tại các di tích: Chùa Bối Khê, đình Ðại Ðịnh (xã Tam Hưng), chùa Dư Dự (xã Thanh Thủy) và chùa Từ Châu (xã Liên Châu). Tổng số, có 26 cổ vật bị kẻ gian lấy mất. Ðáng chú ý là pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng đen tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê bị mất cắp tới lần… thứ ba, sau khi được hoàn trả ở hai vụ trộm trước. Sự việc này khiến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải ra văn yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra các vụ mất trộm cổ vật.
Nhiều năm qua, nạn trộm cắp cổ vật ở di tích đã tồn tại và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Riêng ở Hà Nội cũng đã xảy ra rất nhiều vụ việc như: Chùa Phù Lưu (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) bị mất chiếc chuông đồng 103kg và nhiều đồ thờ quý giá. Hoặc mở rộng ra địa bàn cả nước, chùa Bổ Đà (Bắc Giang) trong giai đoạn chờ đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt đã bị lấy cắp pho tượng Quan Âm gỗ có niên đại khoảng 200 năm. “Những con số cổ vật, di vật mất mát tôi nghĩ còn lớn hơn rất nhiều, bởi nhiều vụ chúng ta chưa thống kê. Pho tượng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay cao gần 2m cả bệ ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) cũng bị mất hai lần” - TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia cho biết.
Rất nhiều di tích khác cũng trong tình trạng bị kẻ gian đột nhập lấy trộm cổ vật đem bán lấy lời. Khi đem bán, ngoài bị lưu lạc vào các tay sưu tầm cổ vật tư nhân, nhiều cổ vật có niên đại hàng trăm năm thậm chí nghìn năm đã “chảy máu” ra nước ngoài, khiến các vụ kiện đòi cổ vật của Việt Nam rơi vào bế tắc.
Cấp thiết xây dựng cơ chế bảo vệ cổ vật
Nguyên nhân khiến hiện tượng mất trộm cổ vật đang diễn ra ở nhiều nơi chính là lực lượng trông coi mỏng, di tích xuống cấp nên vấn đề an ninh an toàn cho các hiện vật cổ vật ngày càng thiếu bảo đảm. Theo Trưởng phòng VH&TT huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, mức chi trả cho lực lượng trông coi di tích còn quá thấp. Ở huyện Thanh Oai có 266 di tích nhưng chỉ có 2/3 số di tích đã được xếp hạng được hỗ trợ kinh phí 200.000 đồng/tháng cho việc trông coi. Mức chi trả này đã áp dụng 10 năm nay và chưa có sự thay đổi. “Hiện nay, các di tích của huyện trông cậy vào sự trông coi của các cụ cao tuổi của địa phương. Cho dù các nơi địa phương sở hữu di tích đã vận động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thêm kinh phí nhưng còn nhiều khó khăn. Đề nghị TP quan tâm hỗ trợ thêm cho lực lượng này” – Trưởng phòng VH&TT huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết.
Sau khi liên tiếp mất trộm cổ vật, lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai đã chỉ đạo huy động xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera ở các di tích. Tuy nhiên, việc này cũng chưa thể làm ngay và không hẳn địa phương nào cũng làm được. Trong khi, đình chùa miếu mạo của Việt Nam là không gian mở, không có thành cao hào sâu nên dù đóng cửa vẫn không hoàn toàn khép kín. Bản thân việc trong coi đình chùa ở nhiều ngôi đình cổ trống trải cũng là mối nguy hiểm với các cụ cao niên. Sự đảm bảo an toàn cho cổ vật không chỉ là những lớp khóa, thậm chí là hệ thống an ninh giám sát mà quan trọng hơn là ý thức trách nhiệm của từng người.
Trước khi chờ có thêm sự hỗ trợ về kinh phí từ phía Nhà nước, theo các chuyên gia, trước mắt cần phải nâng cao ý thức bảo vệ di tích của cộng đồng. Để các cổ vật không lần lượt rơi vào tay kẻ gian, gìn giữ di sản cho thế hệ sau, các địa phương cũng như ngành văn hóa cần phải cấp thiết xây dựng cơ chế bảo vệ cổ vật.
Di tích, di vật thuộc về cộng đồng nên chính quyền địa phương và cộng đồng phải có trách nhiệm bảo vệ. Sở quản lý văn hóa cần có lớp đào tạo, tập huấn để chính quyền địa phương hiểu biết và thực thi trách nhiệm bảo vệ di tích chu đáo hơn, chứ không chỉ trông trờ vào tâm đức của các vị cao niên.
Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia - TS Phạm Quốc Quân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần