Tăng trách nhiệm giám sát tới học sinh trong dạy và học online

Bảo Thắng thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, khi cả nước cùng cố gắng chống dịch thì ở môi trường giáo dục cũng vậy, từ các Sở GD&ĐT đến các phòng, ban và đặc biệt, nhà trường, phụ huynh, giáo viên cùng học với học sinh. Để hiểu rõ hơn nội dung này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT.

 Ông Thái Văn Tài
Có một thực tế là ở nhiều vùng miền, vẫn còn những lớp học trực tuyến với khoảng 1% học sinh tham gia. Vậy giải pháp của Bộ là gì, thưa ông?
- Tôi xin khẳng định lại, dạy học trực tuyến, trên truyền hình không bắt buộc. Các địa phương sẽ tùy theo tình hình cụ thể để linh hoạt áp dụng các mô hình đào tạo phù hợp. Ngay lúc này, các Phòng GD&ĐT phải phát huy vai trò là cơ quan quản lý gần nhất, sát nhất với cơ sở giáo dục, nhanh chóng nắm bắt và đưa ra các giải pháp cũng như tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền các giải pháp cụ thể ở địa phương mình.
Nhiều địa phương cũng lo ngại không thể giảng dạy trực tuyến do thiếu hạ tầng cũng như không ít giáo viên lúng túng khi triển khai mô hình này?
- Trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có giao nhiệm vụ cho các Sở GD&ĐT điều chỉnh kế hoạch dạy học trong học kỳ II năm học 2019 - 2020, bảo đảm Chương trình giáo dục phù hợp với tình hình thực tế. Bộ đã đề nghị các nhà trường ứng biến linh hoạt các giải pháp, trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi người học là trên hết, không bắt buộc phải dạy trực tuyến.
Để làm tốt mô hình này, cần áp dụng nhiều bước, theo trình tự. Trước hết, các cơ sở giáo dục phải công khai lịch dạy, tiếp đến, gửi lịch giảng dạy tới phụ huynh, học sinh. Sau đó, nhà trường, giáo viên phải tương tác với phụ huynh để cùng phân vai. Ví dụ với các em còn nhỏ, phụ huynh phải sát sao về giờ phát sóng hay học trực tuyến để cùng học với con. Với giáo viên, hàng ngày, sau mỗi bài giảng đều phải thực hiện thao tác trao đổi lại với phụ huynh, học sinh để hoàn thiện dứt điểm bài giảng đó, qua đó, nắm bắt được khả năng tiếp thu bài giảng cũng như năng lực từng học sinh để có những điều chỉnh phù hợp.
Nói đến khả năng tiếp thu, việc kiểm tra hay đánh giá năng lực học sinh sẽ gặp khó khi áp dụng việc dạy học trực tuyến hay trên truyền hình. Ông đánh giá như nào về điều này?
- Mỗi một cách làm, một mô hình giảng dạy đều có ưu và nhược điểm. Với tình thế như hiện nay, việc cần làm ở cơ sở giáo dục, giáo viên, nhà trường là tăng trách nhiệm giám sát tới học sinh. Bằng cách, các giáo viên phải thường xuyên tổ chức đánh giá khả năng hoàn thành học tập; tham gia, đánh giá định kỳ (đánh giá tập trung) cùng nhà trường khảo sát, đánh giá lại xem học sinh tiếp thu đến đâu. Sau đó, nhà trường sẽ tổ chức phân loại học sinh để đưa ra giải pháp đào tạo phù hợp.
Đã có những lo lắng về việc nghỉ học nhiều sẽ không đủ thời gian để hoàn thành chương trình, phía Bộ GD&ĐT có tính đến điều này không, thưa ông?
- Trong quá trình rà soát, tinh giản, Bộ GD&ĐT đã tính toán kỹ lưỡng. Đặt tình huống nếu học sinh đầu tháng 5 đi học trở lại, có thể tính từ ngày 1/5 đến 15/7 là kết thúc năm học, với nội dung đã giản lược, hoàn toàn đủ thời gian để giảng dạy hoàn thiện chương trình giáo dục theo yêu cầu.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần