Tăng trách nhiệm kiểm toán để hạn chế sai phạm

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/1, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Chuyển cơ quan điều tra 5 vụ việc
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của KTNN cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan kiểm toán đã chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật. Đó là hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cục Hải quan TP Đà Nẵng trong việc giải quyết cho thông quan 30 xe ô tô từ nước ngoài về Việt Nam; vụ việc của Công ty MTV Dệt 19/5 Hà Nội (nay là Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội) trong việc quản lý tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước có dấu hiệu gây thất thoát hơn 319 tỷ đồng; vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Ban QLDA Công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn về hành vi để ngoài sổ sách trên 22 tỷ đồng; vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế Bình Dương làm chủ đầu tư trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế thực hiện năm 2017. Vụ còn lại là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế, nghiệm thu thanh toán khối lượng xây dựng tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình Thủy Lợi Đắk Ngo (giai đoạn 2, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Trong năm 2018, Tổng KTNN đã ban hành 6 đề cương hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực mới. Đó là đề cương kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế GTGT năm 2017; kiểm toán quản lý và sử dụng vốn ODA giai đoạn 2015 - 2017; kiểm toán công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản ngành y tế giai đoạn 2015 - 2017 của các tỉnh, TP; kiểm toán đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế; kiểm toán về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của DNNN giai đoạn 2011 - 2017.

“Không để kiểm toán viên có hành vi sách nhiễu”

Phó Tổng KTNN Nguyễn Quang Thành thống kê, đến ngày 31/12/2018, kết quả xử lý tài chính là 89.600 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước là 44.466 tỷ đồng (tăng 18,39% so với năm 2017). Qua kiểm toán, cơ quan chức năng đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí. Về thực hiện kiến nghị kiểm toán, theo báo cáo, đến ngày 31/12/2018, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện hơn 66.415 tỷ đồng, đạt 73,1% tổng số kiến nghị xử lý tài chính.

Đánh giá cao những kết quả mà KTNN đã thực hiện trong năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, hiện nay, vị thế của KTNN đang được đề cao; quyền hạn, trách nhiệm đã được mở rộng. KTNN thời gian tới cần tiếp tục làm tròn trách nhiệm của mình hơn nữa trong việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công kịp thời, chính xác, minh bạch. Quốc hội yêu cầu KTNN không để kiểm toán viên Nhà nước, cộng tác viên KTNN có những hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho các đơn vị kiểm toán hoặc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của các đơn vị được kiểm toán, hoặc báo cáo sai lệch, hoặc không đầy đủ, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi như đưa – nhận – môi giới hối lộ hoặc tiết lộ bí mật Nhà nước. “Với trách nhiệm giám sát tối cao hoạt động của tổ chức bộ máy Nhà nước, tới đây, Quốc hội phải tăng cường tạo điều kiện để Kiểm toán thực hiện tốt nhiệm vụ, nhưng cũng sẽ tăng cường nghe báo cáo kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, sẽ có những phiên giải trình về kết quả kiểm toán với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định của pháp luật”- Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu.