Tăng trưởng GDP quý I/2018 cao nhất trong 10 năm qua: Nền kinh tế chuyển động tích cực

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mức tăng trưởng trên 7%, tăng trưởng GDP quý I/2018 được đánh giá là cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thông tin được đại diện Bộ KH&ĐT đưa ra tại cuộc họp của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết 01 của Chính phủ và dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì chiều 27/3.

Nhiều mặt hàng chủ lực tăng cao
Mặc dù quý I/2018 đạt mức tăng trưởng ấn tượng song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát các diễn biến kinh tế ở trong nước, khu vực và trên thế giới, thực hiện các báo cáo chuyên đề về tình hình kinh tế vĩ mô ở các lĩnh vực ngân hàng - tài chính, chứng khoán, bất động sản... trong dài hạn để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trên tinh thần là khi kinh tế tốt hơn phải lo xa hơn cho các năm tiếp theo, để khi khó khăn thì có dư địa để điều chỉnh.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Chung.
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, công nghiệp - xây dựng là động lực cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11%, trong đó đóng góp mạnh mẽ phải kể đến là công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng khi tận dụng được những thuận lợi từ thời tiết và quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản có nhiều khởi sắc cả về khai thác và môi trường.
Lĩnh vực dịch vụ diễn biến sôi động, sức mua tăng mạnh nhờ ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó chi tiêu cá nhân ngày càng tăng. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 26.800 DN thành lập mới - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tình hình kinh tế trong nước quý I vẫn giữ xu thế tích cực từ cuối năm 2017 khi kinh tế vĩ mô ổn định, giá cả và lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số tài chính tiền tệ đều tích cực, thị trường ngoại hối, mặt bằng lãi suất ổn định, thanh khoản tốt, thu chi ngân sách cơ bản đạt tiến độ, thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định, thu hút vốn đầu tư đạt khá, trong khi giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kim ngạch xuất nhập khẩu… diễn biến khả quan.

Quyết liệt ngay từ đầu năm

Đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN ngay từ đầu năm, bám sát tín hiệu thị trường, thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, môi trường kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát, thúc đẩy các nhân tố hỗ trợ cho tăng trưởng, thu ngân sách những tháng tiếp theo.
Cùng kỳ năm trước, tăng trưởng GDP quý I đạt thấp nhất trong 3 năm trước đó, với mức tăng 5,1%. Nhưng năm nay, GDP đã tăng tốc ngay từ đầu năm với mức tăng trưởng 7% (tương đương với tăng trưởng nửa cuối năm 2017). Thông điệp không được kéo dài tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” của Thủ tướng Chính phủ đã truyền tải đến nhiều bộ, ngành, địa phương và được cụ thể hóa tại Nghị quyết 01 được ban hành đúng ngày 1/1. Ngay trong quý I, nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Các mặt hàng gạo, trái cây, dệt may… đều có tốc độ xuất khẩu ấn tượng.

Tốc độ tăng trưởng quý I/2018 cao đã được các tổ chức dự đoán từ trước đó. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đánh giá, hoạt động sản xuất những từ đầu năm đến nay tiếp tục có những diễn biến tích cực. Điều đáng mừng là chất lượng tăng trưởng đã có nhiều cải thiện. Báo cáo của các tổ chức trong nước cho thấy, xuất khẩu của cả khối DN trong nước và FDI đều tăng cao. Đặc biệt trong tháng 2, tăng trưởng xuất khẩu của khối DN trong nước cao hơn khối DN FDI, một chỉ số báo hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của khối DN Việt Nam.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý,chỉ số lao động đang giảm xuống. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn 3 tháng đầu năm giảm là một thách thức cho năm 2018 trong việc duy trì tốc độ thu hút nguồn vốn này, đặc biệt ở các dự án quy mô lớn sử dụng nhiều lao động để gia tăng việc làm và thu nhập, từ đó có thể kéo sức cầu tiêu dùng. Tín hiệu chững lại của dòng vốn FDI cần phải được quan tâm đặc biệt để có những chính sách mới nhằm vực dậy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận xét, kết quả 3 tháng đầu năm chưa đủ cơ sở để khẳng định GDP sẽ phát triển ở tốc độ nào, để dự báo chắc chắn GDP 2018 cao hơn 6,5% hay không, vì thực tế nền kinh tế thế giới đang có những biến chuyển mạnh. Đơn cử như chính sách đối ngoại, chính sách mậu dịch theo hướng bảo hộ thị trường nội địa của Chính phủ Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay cũng sẽ ảnh hưởng tới tình hình tỷ giá… Chuyên gia này cũng lưu ý những vấn đề đang tồn tại như tái cơ cấu ngân sách, đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng… đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt.

Ngày 27/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp quý I/2018 của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3 không tăng như 2 tháng đầu năm, mà dự kiến giảm 0,28% so với tháng trước đó. Còn so với cùng kỳ năm 2017 thì CPI tháng 3 tăng 2,65%. Như vậy, tổng hợp số liệu 3 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, thời gian tới, các bộ, ngành bám sát kịch bản tăng CPI năm 2018 ở mức 3,55% để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. “Với kinh nghiệm trong quản lý, phối hợp điều hành của các bộ, ngành đối với giá cả các mặt hàng, Chính phủ tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra” - Phó Thủ tướng nói. (Hà Lâm)

Bộ KH&ĐT vẫn đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP của năm 2018 với hai mức: 6,7% - mức cao nhất theo Nghị quyết của Quốc hội với điều kiện phải thực hiện kiên trì các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Kịch bản thứ 2 là tăng trưởng GDP là 6,8% với lực đẩy từ công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tốt. Nếu không có biến động lớn xảy ra, các yếu tố tích cực từ khu vực tư nhân thì mức tăng GDP 6,8% cũng có thể phấn đấu hướng tới được.
Sở dĩ có được kết quả này, bên cạnh xu thế tích cực của nền kinh tế còn là nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đã chỉ đạo các ngành, DN lớn khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng từng quý, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Năm 2018, mong rằng vấn đề kỷ cương, kỷ luật hành chính tiếp tục được Chính phủ thực hiện nghiêm, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, kiên quyết loại trừ nhũng nhiễu trong thi hành công vụ.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ
Sự phục hồi của khối DN nội địa là một tín hiệu lạc quan và cần tiếp tục có những chính sách thúc đẩy sự phát triển của các DN trong nước. Để tạo thành những mũi nhọn tăng trưởng, bên cạnh tìm kiếm và phát triển các động lực tăng trưởng mới như đặc khu kinh tế, nông nghiệp công nghệ cao hay phát triển du lịch.

Giám đốc Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Đức Hùng Linh