Tăng trưởng GDP quý IV, năm 2019: Nhiều thách thức khó lường

Trâm Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GDP của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2919 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018 đem lại dự cảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ sớm về đích. Tuy nhiên, bối cảnh vĩ mô và vi mô của DN đang nảy sinh nhiều thách thức khó lường.

9 tháng năm 2019, GDP của Việt Nam ghi nhận tăng 6,98%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm trở lại đây. Mặc dù có nhiều lạc quan về các chỉ tiêu tăng trưởng, tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, bên cạnh những thành tựu trong ngắn hạn về tăng trưởng quý III, phải biết lo về dài hạn.
Còn nhiều thách thức
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo được nhận định tiếp tục là động lực tăng trưởng lớn nhất trong quý IV. Mức tăng 9,6% trong 9 tháng năm 2019 của ngành này được ghi nhận là mức tăng cao nhất trong các nước ASEAN về chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, ngay từ các tháng trước Tổng cục Thống kê lưu ý là tỷ lệ tồn kho hiện nay cao hơn cùng kỳ năm trước ở một số ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng như sản xuất xăng dầu, sản xuất ô tô, xe máy, phương tiện vận tải và ngành sản xuất kim loại.
“Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm, Tổng cục Thống kê kiến nghị đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo. Nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Đồng thời, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp với sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam” - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm kiến nghị.
Nhìn nhận về diễn biến quý cuối năm, lãnh đạo Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, thị trường dầu mỏ từ đầu năm đến nay có nhiều biến động thất thường, thay vì xu hướng tăng mạnh của giá dầu trong cùng kỳ 2018, sau giai đoạn bứt phá quý 1/2019, giá dầu thế giới đã quay đầu giảm mạnh từ cuối tháng 5/2019.
Biến động thất thường của giá dầu đã khiến hoạt động kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn do chênh lệch giữa giá các sản phẩm bán ra và giá dầu thô nguyên liệu đầu vào (crack spread) thu hẹp và thường xuyên biến động.
Năm 2019 là năm khó khăn với các nhà máy lọc dầu, thậm chí có thể coi là khó khăn nhất trong 20 năm qua, có thời điểm vào tháng 2 và tháng 6, giá xăng thậm chí còn bằng hoặc thấp hơn cả giá dầu thô. Nguyên nhân là dư cung các nhà máy lọc dầu và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc giảm mạnh.
Trong một báo cáo gửi tới các nhà đầu tư gần đây, Vinacapital phân tích, cải thiện trong tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 chủ yếu nhờ kiểm soát tốt đà suy giảm của ngành khai thác khoáng sản và gia tăng thặng dư thương mại từ mức 1,3% GDP trong năm 2017 lên mức 3% trong năm 2018. Sản lượng than tăng từ con số không đáng kể trong năm 2017 lên 9% trong năm 2018. Sản lượng khí đốt tự nhiên cũng được cải thiện, cả hai ngành này đều góp phần làm tăng sản lượng ngành khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, thực tế quý cuối năm 2019 lại cho thấy bức tranh này có thể thay đổi. Thiếu khí đang là bài toán đau đầu đối với các DN như sản xuất điện đạm. Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) Lê Như Linh cho biết, nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, điện lực Nhơn Trạch 1 và 2 đang không đủ lượng khí cung cấp, do nguồn cung từ các mỏ và vùng chồng lấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sụt giảm mạnh. Việc đàm phán mua thêm khí với nước ngoài hiện trông chờ PVN.
Lạm phát cũng là một ẩn số rất khó kiểm soát trong bối cảnh giá dầu biến động, giá quy định tăng mạnh, trong đó có giá điện, giá dầu, dịch vụ chăm sóc y tế bắt đầu phản ánh vào túi tiền của người dân. Đặc biệt, giá thực phẩm được dự đoán giảm từ mức tăng 5% xuống còn 3%, tuy nhiên đến nay, tác động của dịch tả lợn châu Phi mới thực sự ngấm vào thị trường và người tiêu dùng, giá thịt lợn hiện tăng mạnh, gần đạt mức đỉnh trong vòng 10 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, gần đây tình hình đơn hàng của các DN không được khả quan so với năm 2018.
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, ở một số DN các đơn hàng mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc (chiếm 60%) cắt giảm lượng nhập hàng. Trong khi đó, mặt hàng may mặc cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng.
“Nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều DN lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm, thời điểm năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng. Tâm lý chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị “chia nhỏ” thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết. Kết quả kinh doanh 9 tháng của nhiều DN dệt may như Thành Công, Sợi thế kỷ giảm so với quý trước đã chứng minh điều đó.
Thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới
Khu vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục là điểm sáng trong quý cuối năm. Trong quý III, khu vực này đạt mức tăng trưởng 6,85%, cao hơn mức tăng 6,75% của cùng kỳ năm 2018. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm như bán buôn và bán lẻ, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, dịch vụ lưu trú và ăn uống… Với thị trường có quy mô 100 triệu dân, thu nhập bình quân tăng và thế hệ người tiêu dùng trẻ chiếm tỷ lệ chi phối, những thị trường này được dự báo có tiềm năng tăng mạnh trong tương lai.

Bên cạnh đó, triển vọng cho việc tiếp tục tăng trưởng cao của ngành sản xuất tại Việt Nam trong quý cuối năm 2019 được nhận định vẫn khả quan vì trung bình chỉ số quản trị mua hàng (MPI) của cả nước tiếp tục duy trì ở mức trên 50 trong vòng 2 năm nay. Dòng vốn FDI tăng khả quan tiếp tục giúp cho sản lượng sản xuất của cả nước tăng trưởng ở mức cao do hơn một nửa số vốn này dùng để phát triển cơ sở sản xuất. Có một điểm đáng lưu ý trong ngành sản xuất là tác động từ việc ngành sản xuất điện thoại thông minh và các sản phẩm công nghệ khác không còn tăng trưởng mạnh mẽ như những năm trước, tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của cả nước cũng tiếp tục giảm. Đẩy mạnh xuất khẩu các ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, nông nghiệp trong quý cuối cùng của năm sẽ là giải pháp linh hoạt bù đắp.

Ngoài ra, một điểm sáng được giới chuyên gia nhìn nhận Việt Nam cần tiếp tục phát huy đó là số lượng DN thành lập mới 9 tháng năm 2019 đạt kỷ lục mới với gần 102,3 nghìn DN, vốn đăng ký bình quân 1 DN tăng mạnh, đạt 12,6 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy DN tiếp tục lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2019 với 87,9% DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

Khi niềm tin được củng cố và lan tỏa, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực là rất tích cực. Ngay trong lĩnh vực tiền tệ, VNĐ giảm khoảng 2% so với USD trong năm 2019 trong khi đồng nội tệ của các thị trường mới nổi giảm mạnh so với USD, nhờ vào chính sách điều hành linh hoạt và chủ động của Ngân hàng Nhà nước, giúp ổn định tâm lý thị trường trong nước. Chính phủ đang rất quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, nên chắc chắn, giải ngân vốn đầu tư công trong quý 4/2019 sẽ tăng mạnh, góp phần tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Quan trọng hơn, vốn đầu tư công luôn được coi là “vốn mồi” thúc đẩy đầu tư từ các thành phần kinh tế khác và đóng góp vào tăng trưởng.

Quý cuối năm 2019 được đánh giá rất nhạy cảm trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, và mức độ xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân đóng góp vào tăng trưởng GDP. Bởi thế, khuyến nghị chung được giới chuyên gia đưa ra là cả DN và các cơ quan quản lý đều cần bám sát thị trường để có can thiệp kịp thời, tiếp tục tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.

"Mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% năm 2019 do Quốc hội đề ra sẽ khả thi. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn (gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá trị đồng tiền, nên nền kinh tế Việt Nam cuối năm sẽ bất định hơn do sẽ chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới)." - Viện trưởng VEPR -TS Nguyễn Đức Thành


"Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh. ViệtNam phải đa dạng hóa các thị trường, tận dụng lợi thế của các FTA thì phải nhanh chóng nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của mình - đây là bài toán không dễ, yêu cầu Chính phủ, các bộ ngành phải có hành động rất nhanh để không bỏ lỡ thời cơ." - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan