Tăng trưởng phải bền vững

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng GDP quý I/2018 có thể sẽ ở mức cao nhất trong 10 năm qua. Mức tăng trưởng cao này sẽ tạo đà cho nền kinh tế tăng tốc trong năm nay.

Tăng trưởng mạnh, lạm phát lại thấp hơn mức 4% là mục tiêu lý tưởng. Điều này phần nào cho thấy những cải cách sâu rộng trong điều hành kinh tế vĩ mô đã bắt đầu phát đi tín hiệu tích cực, với điểm nhấn là môi trường khởi nghiệp và đầu tư ngày càng tốt hơn so với nhiều năm trước đây.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn đó những thách thức ở phía trước. GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng; các vấn đề về năng suất lao động, môi trường… Phân tích cụ thể những lý do để tăng trưởng GDP quý I khả quan nhờ các yếu tố: Ngành điện tử duy trì tăng trưởng cao; ngành khai khoáng tăng trưởng dương; các ngành dịch vụ như bán lẻ, lưu trú ăn uống duy trì tăng trưởng ổn định...

Các con số cũng cho thấy nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào bên ngoài, từ khâu sản xuất, lưu thông và phân phối lại. Chính vì thế, điều người dân quan tâm là GDP cao mang lại lợi ích gì cho họ. Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc - UNDP luôn bày tỏ mong muốn thúc đẩy các quốc gia tăng trưởng bao trùm (inclusive growth), nghĩa là tất cả người dân trong một quốc gia được hưởng lợi từ tăng trưởng GDP của quốc gia đó. Đó là, DN, đặc biệt là DN tư nhân, DN nhỏ và vừa ăn nên làm ra, lớn mạnh, có lợi nhuận; người dân có thu nhập cao, chất lượng sống được tăng lên, được hưởng các tiện tích tốt nhất, điều kiện sống, làm việc, hệ thống phúc lợi y tế, giáo dục được cải thiện đáng kể, môi trường trong lành; Tăng trưởng cao phải giúp cho Nhà nước có nguồn thu ngân sách thặng dư, mà không phải thâm hụt đi vay để rồi lại đè người dân ra thu thuế, phí...

Muốn vậy không chỉ dựa vào tăng trưởng kinh tế cao, và còn đòi hỏi tăng trưởng bền vững, tăng trưởng dựa vào nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo ra công ăn việc làm, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Đây cũng là những mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, giai đoạn 2018 - 2020, Chính phủ ưu tiên đầu tư hạ tầng, tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của DN. Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, khoa học công nghệ, con người... làm động lực tăng trưởng.

Báo cáo "Việt Nam 2035” hướng mục tiêu phát triển nền kinh tế phải dựa trên tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường, trong đó nhấn mạnh: Đổi mới toàn diện bắt nguồn từ thể chế. Với quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ tin tưởng rằng, Việt Nam sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới tăng trưởng cao, bền vững, chất lượng.