Tăng trưởng quý I của Hà Nội: Giảm tốc vì Covid-19

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) quý I/2020 của Hà Nội đạt mức 3,72%, thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm gần đây (GRDP quý I/2018 tăng 6,98%; quý I/2019 tăng 6,95%), chủ yếu do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Trong đó, chịu tác động nhiều nhất là các ngành du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động xuất nhập khẩu và một số ngành dịch vụ khác.
Nhiều ngành gặp khó
Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,17% so cùng kỳ năm trước (quý I/2019 tăng 3,19%) làm giảm 0,03% mức tăng tổng giá trị tăng thêm. Khu vực công nghiệp - xây dựng quý I tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2019 tăng 7,84%).
Trong đó, sản xuất công nghiệp chỉ đạt mức tăng 5,09% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất của quý I trong một số năm gần đây), đóng góp 0,64 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm trên địa bàn. Ngành xây dựng quý I/2020 tăng 6,35% (thấp hơn mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2019).
 Tăng trưởng GRDP của Hà Nội quý I các năm. Minh họa: Ngọc Chung
Khu vực dịch vụ quý I/2020 ước tính tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước (quý I/2019 tăng 7,1%), đóng góp 2,12 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm trên địa bàn. Các ngành vận tải, kho bãi, khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Trong đó, giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi giảm 5,15% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2019 tăng 9,93%), làm giảm 0,39% mức tăng tổng giá trị tăng thêm trên địa bàn Hà Nội. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 21,77% (quý I/2019 tăng 4,62%), làm giảm 0,59% mức tăng tổng giá trị tăng thêm.
Sự bùng phát dịch Covid-19 khiến cho lượng khách quốc tế và trong nước đến Hà Nội giảm mạnh so với cùng kỳ. Tính chung quý I, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 756.000 lượt khách, giảm 36,9% so với cùng kỳ, trong đó khách đến từ Hàn Quốc giảm 52,1%; Nhật giảm 33,3%; Pháp giảm 13,1%; Trung Quốc giảm 78,1%...
Khách trong nước đến Hà Nội đạt 1.901 nghìn lượt khách, giảm 33,6% so với cùng kỳ. Các ngành còn lại: Tài chính, ngân hàng; kinh doanh bất động sản; khoa học công nghệ; quản lý Nhà nước; an ninh quốc phòng; dịch vụ khác… duy trì tốc độ tăng trưởng, tuy nhiên nhìn chung mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 2,74 tỷ USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2019 tăng 12,9%). Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ: Hàng nông sản giảm 27,9% (gạo giảm 28,1%, cà phê giảm 27,9%); máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện giảm 32,1%; xăng dầu giảm 36,7%.
Hỗ trợ kịp thời hơn, mạnh mẽ hơn
Hiện nay TP Hà Nội đang thực hiện 2 nhiệm vụ kép, trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phòng chống dịch bệnh, đồng thời phải có giải pháp ngăn chặn sự suy giảm, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020. Giải pháp trọng tâm là tập trung nắm vững tình hình, kịp thời tuyên truyền, ổn định tâm lý để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt dịch bệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN; đẩy mạnh thu hút đầu tư và tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài; phát triển các ngành kinh tế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đã triển khai một loạt các chính sách hỗ trợ DN về vốn, thuế và bảo hiểm, khơi thông thị trường.
Các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản được đẩy mạnh, giải tỏa áp lực cho hoạt động xuất khẩu trước tác động của dịch bệnh. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy thương mại nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt; khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích DN Việt Nam phát triển...
Về tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, TP yêu cầu phải thống kê, phân loại vướng mắc của từng dự án cụ thể, trong đó phân công từng đồng chí lãnh đạo TP theo dõi đối với từng dự án trọng điểm để đôn đốc, kiểm tra, rõ trách nhiệm cá nhân và rõ vai trò chỉ đạo điều hành.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, đến hết tháng 2/2020, TP có 9 dự án và một hạng mục dự án ngân sách hoàn thành theo mục tiêu ban đầu; 11 dự án đang thi công xây dựng; 20 dự án và 1 hạng mục dự án đang chuẩn bị thực hiện, hoàn thiện thủ tục; 14 dự án chưa triển khai thủ tục đầu tư. Dự kiến đến hết năm 2020 có 15 dự án hoàn thành, cơ bản hoàn thành đáp ứng tiến độ.
Ngoài ra, TP có nhiều chương trình xúc tiến đầu tư ở các thị trường nước ngoài có thể khai thác... Đây cũng là cơ hội để các DN tái cơ cấu tìm thị trường mới, thay đổi công nghệ. Dự kiến, trong tháng 4/2020, Hà Nội tổ chức hội nghị đối thoại với DN để lắng nghe ý kiến, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.

Trong tháng 3, hoạt động cho vay vốn tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 2.150 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 1,8% so với cuối năm 2019, mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Trong đó, dư nợ cho vay đạt 1.929 nghìn tỷ đồng, chiếm 89,7%; đầu tư đạt 221 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,3%. Tỷ lệ cho vay đối với DN nhỏ và vừa chiếm 19% trong tổng dư nợ cho vay; cho vay xuất khẩu chiếm 5,3%; cho vay tiêu dùng chiếm 19,5%; cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 9,1%; cho vay bất động sản chiếm 21,2%.

Ngược lại, huy động vốn đạt 3.575 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 2% so với thời điểm kết thúc năm 2019. Lượng tiền gửi đạt 3.418 nghìn tỷ đồng, chiếm 95,6% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng 0,5% và tăng 2,1%; phát hành giấy tờ có giá đạt 157 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,4% trong tổng nguồn vốn huy động và bằng thời điểm kết thúc năm 2019.