Tăng trưởng tích cực nhưng đề phòng lạm phát

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý I/2018 và dự báo cho năm 2018 được công bố ngày 10/4.

Với mức tăng trưởng cao đột biến 7,38% của quý I, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi, với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì.
 Lắp ráp ô tô nissan tại Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới. Bên cạnh đó, để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4%, cần nỗ lực của các cấp và đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của NHNN. Trong bối cảnh đó, VEPR đưa ra dự báo tăng trưởng năm 2018 là 6,83% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên dưới 4,2%.
Việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến 2019 đi vào thực hiện, tiếp tục củng cố tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới, nhóm nghiên cứu đánh giá, đây là cơ hội cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập thị trường CPTPP rộng lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hàng rào thuế quan được rỡ bỏ cũng giúp hàng hoá các nước thành viên tham gia Hiệp định CPTPP đổ vào Việt Nam. Điều này một mặt làm lợi cho người tiêu dùng trong nước khi được mua hàng hoá chất lượng cao giá rẻ từ các nước phát triển hơn, mặt khác cũng đặt ra thách thức lớn cho các nhà sản xuất trong nước trong môi trường cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, lợi ích của CPTPP đối với Việt Nam không chỉ thuần túy về thương mại mà còn đòi hỏi phải có những chuyển biến tích cực trong cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Một hệ quả của việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới được thể hiện qua việc Chính phủ ra Nghị định 116/NĐ-CP với mục đích đảm bảo nguồn xe nhập khẩu có chất lượng tốt hơn, nhưng được cho là một hình thức bảo hộ phi thuế quan vội vã. Đây là điều bất hợp lý trong bối cảnh người tiêu dùng kỳ vọng giá xe giảm mạnh khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm từ 30% về 0%. Điều này cũng đặt ra câu hỏi, liệu Nghị định 116 có bị chi phối bởi lợi ích nhóm hay không khi sự bất bình đẳng giữa DN ô tô lớn và các DN tư nhân nhỏ lẻ có thể bị mở rộng? Cuối cùng, người chịu thiệt là người tiêu dùng vì có sự giảm tính cạnh tranh từ các nhà cung cấp.

Nhìn nhận về việc Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á, báo cáo chỉ rõ, điều này đã giúp Grab chiếm lĩnh độc quyền thị trường trong toàn khu vực, trong đó có Việt Nam. Trong tương lai, người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ phải chi trả nhiều hơn khi sử dụng dịch vụ này khi Grab hoàn toàn có khả năng chi phối giá trên thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các DN nội địa phát triển các sản phẩm cạnh tranh với Grab. Các DN Việt có thể học được từ chính bài học thất bại của Uber trước Grab để một ngày nào đó có được vị thế xứng đáng trên thị trường của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần