Tăng trưởng xanh để bảo vệ môi trường: Lợi ích dài lâu

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, công trình xanh nổi lên như một xu thế với những giải pháp thiết kế và xây dựng bền vững, giúp bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Tận dụng tối đa các lợi ích
Những ngày vừa qua, chất lượng không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn ở mức báo động, có những ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Một trong những nguyên nhân chính là quá trình đô thị hóa quá nhanh và không đưa được ra các tiêu chuẩn đảm bảo.
Từ thực trạng đó, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển công trình xanh sẽ đem lại nhiều lợi ích lâu dài. Bởi lẽ, công trình xanh hướng tới nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là nước và không khí.
 Công trình xanh được phát triển nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường.
Tại Việt Nam, Chương trình tăng trưởng xanh được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/9/2012. Trong đó khẳng định, để đảm bảo phát triển bền vững, tăng trưởng xanh cần đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm…
Đầu tư công trình xanh sẽ tốn nhiều chi phí, đắt hơn công trình thường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, công trình xanh sẽ giúp nhà đầu tư thu hồi được nguồn lợi lớn hơn nhiều so với công trình thường về mặt dài hạn, giúp giải quyết gánh nặng về mặt kinh tế cho người dân có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.
Chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đang phát triển, ông Vũ Hồng Phong - chuyên gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, trên thế giới, có những công trình đắt mà không xanh và có những công trình xanh mà không đắt.
Sự khác biệt nằm ở cách tiếp cận và tận dụng tối đa các lợi ích mang lại. Nếu định hướng sớm ngay từ giai đoạn ý tưởng, khai thác tốt các yếu tố thụ động trong kiến trúc, công trình hoàn toàn có tiềm năng đạt hiệu quả cao về năng lượng, nước và vật liệu xây dựng mà không làm gia tăng chi phí hoặc chỉ tăng ở mức 1 - 2%.
Đơn cử, từ kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai dự án EcoHome 3 - điểm sáng trên thị trường nhà giá thấp năm 2019 khi đạt được chứng chỉ xanh EDGE, ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Capital House đã chỉ ra những lợi ích từ việc xanh hóa nhà ở xã hội.
Cụ thể, đối với khách hàng, sẽ có cuộc sống tiện nghi hơn, cải thiện sức khỏe; chi phí điện nước giảm; căn hộ đã mua sẽ giữ giá khi giao dịch; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Ngay tại dự án EcoHome 3 khi đạt chứng chỉ xanh đã tiết kiệm khoảng 25% năng lượng, 36% nước và gần 32% năng lượng hàm chứa trong vật liệu.
Việc thiết kế cảnh quan theo hướng xanh tại dự án cũng góp phần giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị vào môi trường xung quanh. Ông Bách cho biết thêm, các dự án tiếp theo của Capital House như EcoHome 3 sẽ bàn giao quý III, IV/2020 cũng trang bị hệ thống lọc, tại đó phát triển thêm hơn 4.000m2 cây xanh.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Để đẩy mạnh thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, thời gian tới cần tập trung vào việc hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư. Cụ thể, bổ sung, chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
Nhất là hoàn thiện khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh (bao gồm: Thuế, phí, trợ giá, các quỹ, chế tài, các tiêu chí xanh, phát triển bền vững với DN niêm yết trên sàn chứng khoán) liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức và xây dựng cơ chế hỗ trợ tư nhân thực hiện các án tăng trưởng xanh. Nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh.
Cùng với đó, các ngành, địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể các hoạt động tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện, nhằm hoàn thành những mục tiêu đề ra. "Công trình xanh là hết sức quan trọng đối với môi trường và phát triển bền vững.
Hơn nữa, phải có các chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, tạo động lực cũng như thu hút các DN chú trọng phát triển công trình xanh để bảo vệ môi trường – GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chia sẻ.

"Để phát triển bền vững công trình xanh, cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách, quy hoạch đến nhận thức của DN và cả người dân." - PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần