Tăng tuổi nghỉ hưu: Đảm bảo an sinh xã hội bền vững

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Nuno Meira Simoes Cunha - chuyên gia an sinh xã hội (ASXH) của Tổ chức Lao động Quốc tế (IL0) khẳng định, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ đảm bảo ASXH bền vững...

 Ông Nuno Meira Simoes Cunha - chuyên gia an sinh xã hội (ASXH) của Tổ chức Lao động Quốc tế (IL0) 
Bộ LĐTB&XH đang đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vào năm 2021. Việt Nam sẽ gặp khó khăn gì khi kéo dài tuổi lao động?
 - Tăng tuổi nghỉ hưu là việc bình thường và phổ biến trên thế giới vì thay đổi nhân khẩu học và đảm bảo cân bằng quỹ lương hưu. Hệ thống ASXH ở Việt Nam trẻ, nhưng đang đối đầu với tốc độ già hóa dân số khá nhanh và đồng thời là tuổi thọ tăng lên. Năm 1990, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 66, bây giờ 76. Hơn nữa, tuổi thọ dành cho nhóm hưởng lương hưu là 81, tức người lao động (NLĐ) nghỉ hưu ở độ tuổi trung bình 60 thì sống thêm 21 năm nữa. Như vậy, thời gian họ hưởng lương hưu dài hơn so với mức tính tuổi thọ trung bình. Với thực tế này, tăng tuổi nghỉ hưu là điều tất yếu.
Nhưng khó khăn ở đây là việc đưa ra thông điệp cho người dân hiểu và chấp nhận kéo dài năm làm việc. Tăng tuổi nghỉ hưu có thể tạm thời chưa gắn với một số nghề nghiệp cũng là trở ngại. Có một số nghề đòi hỏi quốc gia đưa ra những biện pháp điều chỉnh phù hợp với NLĐ và tính chất công việc. Chúng ta điều chỉnh công việc ngắn hạn để đảm bảo mỗi người đều có cơ hội tiếp tục lao động ở những nghề họ đang làm. Tôi tin điều này không chỉ đúng với từng con người, công việc mà cả nền kinh tế.
Nhưng tâm lý của nhiều người Việt Nam là muốn nghỉ hưu sớm dù lương hưu thấp. Vậy phải giải bài toán này thế nào để việc tăng tuổi nghỉ hưu không bị xáo trộn?
- Thực tế một số người muốn nghỉ hưu sớm vì họ có khoản tiết kiệm cho cuộc sống tuổi già hoặc dựa vào con cái…, nhưng những người đó không thể đại diện cho cả nhóm lớn. Với trách nhiệm của một cá nhân, bền vững của quỹ lương hưu là điều quan trọng, nếu không tất cả mọi người và nền kinh tế phải chịu thiệt hại. Tôi nghĩ, Chính phủ có vai trò điều tiết sẽ cân nhắc tất cả lợi ích cũng như mong muốn của các bên để đưa ra quyết định bền vững cho toàn bộ nền kinh tế và cho số đông.
Khi Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, rất nhiều người băn khoăn khi 220.000 người trình độ cử nhân trở lên đang thất nghiệp sẽ không có cơ hội việc làm?
- Chúng ta hãy tính xem số người nghỉ hưu hàng năm là bao nhiêu để so sánh với con số 220.000. Tôi cho rằng nó rất nhỏ, không thể so sánh với số NLĐ mới gia nhập vào thị trường. Vì thế, nó có một số ảnh hưởng nhưng không phải là vấn đề chính mà chúng ta phải quan tâm. Điều quan trọng là giải quyết cho những người trẻ tuổi thất nghiệp ấy bằng kinh tế cũng như các biện pháp khác để thu hút họ vào làm việc chứ không phải điều chỉnh về vấn đề hưu trí. Chính sách hưu trí không có tác động cụ thể và lớn đối với vấn đề tạo ra việc làm.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và cân đối quỹ lương hưu.  Ảnh:  Nhật Nam

Khi đưa ra thông điệp tăng tuổi nghỉ hưu thì không ai thích cả. Tuy nhiên vì đảm bảo tăng trưởng bền vững của quỹ lương hưu, ASXH cho con người cũng như của nền kinh tế thì phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Nhưng một số cách khác có thể làm đồng thời đó là tăng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội (BHXH). Trên thực tế, tại Việt Nam hiện nay, số người làm việc trong khu vực chính thức chưa nhiều, còn phi chính thức tương đối lớn nhưng họ lại chưa tham gia BHXH. Cho nên mở rộng diện bao phủ BHXH cũng là một trong những giải pháp giúp cải thiện sự bền vững của quỹ hưu trí.
Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 6 tháng cho đến khi nam đủ 62, nữ 60 tuổi, như vậy có quá nhanh?
- Lộ trình đó không hề gây "sốc", vì vẫn còn thời gian chuẩn bị và phù hợp với cả nền kinh tế lẫn người Việt Nam. Đồng thời, tăng tuổi nghỉ hưu giúp thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ là một tiến bộ.
Vậy là ông đồng tình với nam và nữ có cùng tuổi nghỉ hưu?
- Tôi cho rằng rất cần cân bằng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ để thể hiện sự tôn trọng. Trước đây, mọi người cứ nghĩ phụ nữ sức khỏe yếu nên phải nghỉ sớm hơn, nhưng thực tế không phải vậy. Phụ nữ có tuổi thọ cao hơn nhiều so với nam giới. Hơn nữa, thông thường phụ nữ nhận được lương hưu ít hơn nam vì nghỉ hưu sớm, thời gian đóng góp cho quỹ hưu trí ít hơn đàn ông. Ngay cả phụ nữ có cùng công việc như nam giới cũng bị trả lương thấp hơn, vì thế cũng ảnh hưởng tới mức độ quỹ, trong khi tuổi thọ của nam thấp hơn nữ, lại bị bắt làm nhiều hơn có nghĩa họ sẽ chết sớm hơn. Câu chuyện này không công bằng đối với nam giới, vì thế Việt Nam nên áp dụng một tuổi nghỉ hưu cho cả hai đối tượng.
Xin cảm ơn ông!