Tạo bản sắc du lịch từ sản phẩm quà tặng

Phương Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều điểm di tích của Hà Nội đã bắt đầu biết tạo ra các sản phẩm quà tặng lưu niệm riêng biệt để thúc đẩy mức chi tiêu của du khách. Là một người góp phần tạo ra các sản phẩm đó, Giám đốc sáng tạo Công ty TNHH Con đường Thông minh Trương Quốc Toàn đã bày tỏ quan điểm trước thực tế quà tặng lưu niệm hiện nay.

 Sản phẩm quà tặng lưu niệm mới ra mắt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Vừa qua, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những địa điểm hiếm hoi tạo được bộ sản phẩm quà tặng cho khách du lịch. Là người trực tiếp triển khai thực hiện thiết kế thử nghiệm bộ sản phẩm này, ông có thể cho biết ý nghĩa của nó?

- Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa chính thức có bộ sản phẩm quà tặng đầu tiên cho khách du lịch. Bộ sản phẩm đó bao gồm: Ống đựng bút, bình giữ nhiệt, ô, sổ ghi chép, các loại túi, cốc uống nước, đèn ngủ… đều mang họa tiết, hình ảnh đặc trưng của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó là hình ảnh đôi phượng chầu trên cột của Nghi môn và hình ảnh cá chép hóa rồng xuất hiện ở Đại Trung môn trong khuôn viên di tích. Các mặt hàng này đều có công năng sử dụng, không đơn thuần chỉ để bày và đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường khi được làm từ tre, gốm, giấy tái chế, gỗ rừng trồng.

Năm 2016, khi thực hiện một nghiên cứu, đánh giá hiện trạng về khách du lịch cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng tôi thấy nổi lên sự bất cập về quà lưu niệm. Đó là, các gian hàng quà lưu niệm ở đây bán nhiều mặt hàng ít liên quan đến di tích và không có sự chọn lọc do tư nhân thuê nên họ chỉ đặt mục tiêu kinh doanh thuần túy, bất cứ thứ gì thấy có thể bán được là họ đưa vào. Với vị trí và vai trò là một di tích quan trọng của Thủ đô, tôi cho rằng cần phải có một nhóm hàng lưu niệm chuyên biệt về Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ông đánh giá thế nào về mức độ chi tiêu của du khách quốc tế dành cho quà tặng lưu niệm của Hà Nội?

- Mục tiêu của ngành Du lịch là khuyến khích khách chi tiêu nhiều. Nếu so sánh hai thị trường khách Nhật Bản và Trung Quốc sẽ dễ nhận thấy số lượng khách Trung Quốc luôn đông nhất nhưng hầu như họ không chi tiêu gì. Thành quả của ngành Du lịch không nằm ở số lượng du khách mà là ở mức chi tiêu.
 Giám đốc sáng tạo Công ty TNHH Con đường Thông minh Trương Quốc Toàn
Nếu sản xuất ra những mẫu sản phẩm quà lưu niệm chung cho Hà Nội có nghĩa là du khách có thể mua các sản phẩm ấy ở bất kỳ đâu. Cùng một mẫu ấy, du khách có thể mua được ở khu phố cổ thì đến Văn Miếu, vào Hoàng thành Thăng Long, họ sẽ thấy chả còn gì để mua. Nhưng nếu cùng một sản phẩm, ví như một cái cốc nhưng cái cốc ở phố cổ, ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng thành Thăng Long khác nhau thì tôi khẳng định, cơ hội du khách mua 3 cái cốc sẽ rất cao vì có sự khác biệt. Đấy chính là cách để tăng chi tiêu cho du khách và tăng doanh thu cho ngành Du lịch.

Những tiềm năng nào để cho thấy các địa điểm du lịch của Hà Nội có thể có được những sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng?

- Hà Nội hội tụ nhiều điều kiện để phát triển một cách mạnh mẽ thị trường quà lưu niệm với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ 1.350 làng nghề truyền thống. Với số lượng làng nghề lớn nhất cả nước như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên một thị trường quà lưu niệm sôi động, đầy bản sắc văn hóa và mang tính đặc trưng. Mỗi di tích đều cho tôi một cảm hứng mới, bởi càng tìm tòi, khám phá, sẽ càng thấy những điều thú vị trong các di sản mà cha ông ta để lại. Tôi chỉ mong góp một tay trong việc tạo nên những sản phẩm điểm nhấn đại diện cho Thủ đô ngàn năm văn hiến, để khơi dậy lòng tự hào và ngày càng nhiều bạn bè quốc tế biết đến những di sản quý báu của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

Xin cảm ơn ông!