Tạo chuyển biến trong thi hành Luật Thủ đô

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Thủ đô sau gần 5 năm thi hành với những quy định mang tính đặc thù trên nhiều lĩnh vực, đã tạo ra những điều kiện mới để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc trong thực thi.

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô” do Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức ngày 28/3.

Tạo đột phá

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Công, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết những cơ chế mang tính đột phá. Cụ thể, cơ chế đặc thù quy định trong Luật bước đầu đã giúp TP huy động được nguồn lực to lớn, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
 Các đại biểu chia sẻ tại  hội thảo ''Thực trạng và giải pháp thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô''. Ảnh: Thái San
Các quy định liên quan đến biện pháp đảm bảo quy hoạch, quản lý đất đai, không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị đã được triển khai thực hiện. Các đồ án quy hoạch, quy chế, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy hoạch nông thôn mới, phủ kín toàn bộ diện tích của Thủ đô đã được phê duyệt, tạo hành lang pháp lý quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành TP “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

"Nên có quy định các đơn vị di dời trụ sở ra khỏi nội thành Hà Nội phải bàn giao lại quỹ đất cho Hà Nội, không để tình trạng các đơn vị lấy đất đó liên doanh, liên kết với DN xây cao ốc làm tăng áp lực dân số tại nội thành." - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách đặc thù của TP như: Xây dựng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, chính sách trọng dụng nhân tài, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn… đã được triển khai và có tác động tích cực.

Còn vướng mắc trong thực thi

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi. Một số nội dung quan trọng của Luật Thủ đô chưa được quy định chi tiết để thực hiện, nhất là về quy hoạch - kiến trúc, tái thiết đô thị, sử dụng quỹ đất sau di dời, cải tạo xây dựng chung cư cũ, tỷ lệ đất giao thông, quản lý dân cư trong nội đô, chỉnh trang đô thị, bảo tồn kiến trúc... Sự phối hợp giữa Hà Nội và một số bộ, ngành trong việc xây dựng một số văn bản triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô còn chậm. Công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển, đề xuất T.Ư cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển còn chưa đầy đủ, đồng bộ, kịp thời so với yêu cầu.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho hay, vấn đề di dời trụ sở các bộ ngành, cơ sở y tế, giáo dục, công nghiệp ra khỏi nội thành Hà Nội được đặt ra trong nhiều năm qua, nhưng đến nay chưa làm được. Các bộ, ngành đã di dời đều lấy đất để làm cơ sở 2, nhiều đơn vị đổ lỗi do không có nguồn vốn để di dời. "Thủ tướng Chính phủ ra lộ trình di dời nhưng cấp dưới không thực hiện theo. Vấn đề này đã được Luật Thủ đô đề cập nhưng vướng mắc không thực hiện được nhiều năm nay, bản thân Hà Nội muốn thu hồi đất cũng không được vì không đủ mạnh để làm" - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng nhìn nhận, xác định những vướng mắc, cần điều chỉnh trong Luật Thủ đô là việc còn cần thời gian nghiên cứu, song quan trọng hơn là nhận rõ sự cần thiết để xây dựng quy trình, kế hoạch thích hợp, tạo chuyển biến trong thi hành Luật Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần