Tạo cơ chế đặc thù phát triển doanh nghiệp

Khắc Kiên ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DN gia nhập thị trường hoạt động bền vững góp phần đạt mục tiêu đạt 400.000 DN đến năm 2020 là những giải pháp của TP Hà Nội trong thời gian qua. Xung quanh vấn đề này TS Trần Ngọc Nam – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội có những chia sẻ thẳng thắn.

 Nhiều hoạt động xúc tiến kết nối giao thương giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Hải
Tháo gỡ khó khăn
Theo TS Trần Ngọc Nam, trong những năm qua thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, TP Hà Nội đã đặc biệt quan tâm công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đối thoại Chính quyền – DN, đặc biệt là khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV). Các cấp chính quyền TP đã vào cuộc tích cực nhằm giảm thời gian, chi phí trong lĩnh vực: Đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm, xã hội, tiếp cận điện năng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực…
“Từ ngày 1/9/2017, TP đã chính thức vận hành Tổ công tác liên ngành giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án và giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng. Nâng cao chất lượng và tỷ lệ dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân và DN…
Trước đó, tháng 1/2017, Hà Nội đã chính thức khai trương Vườn ươm CNTT đổi mới sáng tạo; Ngày 10/10/2017, khai trương Cổng thông tin khởi nghiệp (StartupCity.vn) của TP… Hiện, UBND TP đang giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các chuyên gia xây dựng Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn, dự kiến sẽ được ban hành trong quý III/2018.

4 cơ chế đặc thù

Với việc Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, TP cũng đã giao Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ngành và cơ quan liên quan xây dựng một đề án riêng hỗ trợ DNNVV. Bên cạnh những nội dung hỗ trợ theo quy định của Luật, đề án cũng đề ra những cơ chế riêng của TP nhằm hỗ trợ các DN thành lập mới. Phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội có 400.000 DN đăng kí hoạt động trên địa bàn.
Trong đó, triển khai các chính sách hỗ trợ chung của Luật như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DNNVV gia nhập thị trường; tiếp cận tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; Hỗ trợ về phí, lệ phí và công tác kế toán cho DN khởi sự; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Cung cấp thông tin, xúc tiến, mở rộng thị trường; Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ, thông tin, tư vấn pháp lý về thủ tục thành lập DN, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN...

Đặc biệt, ông Trần Ngọc Nam thông tin, Đề án còn đề xuất cơ chế hỗ trợ riêng của Hà Nội dành cho DNNVV thành lập mới và DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Thứ nhất, hỗ trợ DNNVV thành lập mới về phí công bố nội dung đăng ký DN lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia: 300.000 đồng/DN.
Thứ hai, hỗ trợ DNNVV thành lập mới, DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh kinh phí chuyển phát nhanh kết quả tại nhà hoặc trụ sở DN: 20.000 đồng/DN.
Thứ ba, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho hộ kinh doanh về kiến thức khởi sự và quản trị cho hộ kinh doanh; Các chương trình đào tạo hướng dẫn về lập phương án sản xuất, kinh doanh cho các hộ kinh doanh. Thứ tư, không thực hiện thanh tra, kiểm tra DNNVV trong thời gian 3 năm đầu kể từ khi DN được thành lập. Việc thanh, kiểm tra DN chỉ được thực hiện trong trường hợp thực sự cần thiết và phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Các chính sách hỗ trợ riêng theo cơ chế của Hà Nội sẽ được trình HĐND TP vào kỳ họp tháng 7/2018 sắp tới để xem xét, có ý kiến cụ thể trước khi được thông qua.
Theo số liệu của Sở KH&ĐT, số DN đăng ký thành lập và hoạt động hiện nay trên địa bàn TP khoảng trên 231.000 DN, trong đó chủ yếu là các DNNVV (chiếm hơn 97%). Các DNNVV Hà Nội đóng góp khoảng 40% GDP, tạo nhiều việc làm và thực hiện an sinh xã hội của TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần