Tạo cơ chế nâng chất lượng tổ tự quản khu nhà trọ công nhân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” giai đoạn 2012-2015 do Liên đoàn Lao động TP tổ chức hôm nay (22/4), nhiều ý kiến cho rằng, mô hình tổ tự quản khu nhà trọ công nhân có tác động rất thiết thực với đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ).

Góp phần giữ yên bình khu nhà trọ 

Theo LĐLĐ TP, trên địa bàn có 9 KCN, KCX và khu công nghệ cao, thu hút 595 dự án đầu tư, tạo việc làm cho 140.865 người. Dù các khu nhà ở xã hội tại đây đã được TP quan tâm song chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu nhà ở của công nhân lao động (CNLĐ). Phần lớn người lao động vẫn phải thuê nhà trọ. Thực tế, khu nhà trọ đông công nhân tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội, tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, vai trò của công đoàn cơ sở chưa được phát huy mạnh nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu đình công để sớm ứng phó…

Từ thực tế đó, thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ, tháng 7/2012, LĐLĐ và Công an TP phối hợp xây dựng, triển khai mô hình “Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân”, nhằm giúp công đoàn và chính quyền địa phương kịp thời giải quyết bức xúc nảy sinh trong CNLĐ, quản lý tốt địa bàn, giữ vững an ninh trật tự xã hội, xây dựng các mối gắn kết CNLĐ-Nhân dân địa phương và chính quyền-công đoàn-tổ chức chính trị xã hội cơ sở.

Sau hơn 3 năm thực hiện, toàn TP đã xây dựng được 92 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với trên 3.000 CNLĐ tham gia. 100% tổ có xây dựng nội quy, phân công rõ ràng cho tổ trưởng, tổ phó; sinh hoạt tập thể 1 lần/tháng hoặc đột xuất. LĐLĐ TP đã chỉ đạo xây dựng 12 ki-ot thông tin tại xã Quang Tiến (Sóc Sơn) và tổ dân phố Kiên Thành (Gia Lâm); thành lập 12 nhóm công nhân nòng cốt là các thành viên của tổ tự quản... 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Các thành viên tự tổ chức hoặc tham gia hoạt động văn hóa, thể thao do địa phương hay công đoàn cấp trên tổ chức. Tổ trưởng là chủ nhà trọ thường xuyên nắm bắt tình hình để phản ánh với công an, chính quyền địa phương thực hiện bảo vệ an ninh cho khu vực CNLĐ sinh sống; nhắc nhở công nhân nghiêm túc đăng ký tạm trú, tạm vắng, giữ vệ sinh, phòng chống cháy nổ... Nhóm công nhân nòng cốt phân công các thành viên thường xuyên tuần tra khu vực công nhân ở (ví dụ như tổ tự quản ở KCN Phú Nghĩa, Chương Mỹ).

Theo phản ánh của CNLĐ, hàng ngày họ đi làm ca kíp nên việc đi lại diễn ra cả ngày lẫn đêm; số công nhân thuê trọ lại không cố định lâu dài, nên an ninh trật tự thôn xóm rất dễ phát sinh mẫu thuẫn trong sinh hoạt, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp vặt, nhất là nạn mất xe máy. Tuy nhiên, từ khi thành lập tổ tự quản đến nay, việc mất cắp hầu như không còn, chủ nhà trọ và công nhân đã nâng cao trách nhiệm, tăng mối đoàn kết. Việc thành lập tổ tự quản khu nhà trọ công nhân thực tế đã góp phần giữ gìn trật tự an ninh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, đẩy lùi tệ nạn xã hội...

Đại diện CNLĐ, công nhân Nguyễn Thị Mai Lan (Công ty CP nhôm Đô Thành) -  Tổ phó Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân số 2, khu dân cư Kiên Thành (huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Tôi thấy mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân tại KCN-KCX là hình thức tập hợp CNLĐ khá hiệu quả trong tình hình mới. Mong các cấp công đoàn chủ động tham gia xây dựng cơ chế, phối hợp chặt với chính quyền địa phương và hệ thống chính trị xã hội cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ này, giúp CNLĐ yên tâm sản xuất ra nhiều của cải cho Thủ đô - quê hương thứ hai của chúng tôi”.

Cần kinh phí và cơ chế rõ ràng

10 tổ tự quản tại khu nhà trọ công nhân thôn Xuân Bách (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) ra mắt tháng 7/2011 là những tổ đầu tiên của Hà Nội (trước 1 năm so với văn bản hướng dẫn của TP). Lúc đó thôn rất đông công nhân thuê trọ. Tổng cộng trên 500 hộ dân thì 92 hộ có hơn 400 phòng trọ cho công nhân thuê. Công an huyện xác định Quang Bách là điểm “nóng” an ninh trật tự tại huyện. 

Đến hết năm 2015, ban chỉ đạo ở đây đã nâng tổng số tổ tự quản lên 20 tổ với 625 thành viên. Hoạt động của các tổ giúp ban kịp thời nắm bắt nguyện vọng của công nhân để ngăn chặn diễn biến xấu.

Qua gần 4 năm hoạt động, Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn Ngô Văn Minh chia sẻ: Khó khăn nhất là tổ không có chút kinh phí hỗ trợ nào của Nhà nước hoặc cơ quan hữu quan, chủ yếu dựa vào LĐLĐ huyện, chủ nhà trọ và công nhân đóng góp. Tháng 11/2011, UBND TP đã có văn bản về vấn đề này nhưng không sát thực nên đến nay chưa giải quyết được, rất khó duy trì và nhân rộng mô hình. 

“Đề nghị LĐLĐ TP và các cấp chính quyền có chế độ trợ cấp kinh phí hàng tháng cho tổ trưởng tổ tự quản. Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp xây dựng thống nhất nội dung quy chế thành lập, quản lý, duy trì hoạt động mô hình này. Trong khi chờ cơ chế của cấp trên, LĐLĐ TP nên cho những địa phương có hoạt động tổ tự quản bớt kinh phí phải nộp về LĐLĐ, dành để duy trì hoạt động mô hình này hiệu quả hơn”, ông Minh thẳng thắn đề xuất. 

Đồng tình với quan điểm của ông Minh, chị Lan, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Ngô Văn Tuyến cho rằng: Hạn chế nhất hiện nay là các tổ tự quản khu nhà trọ công nhân không có kinh phí hoạt động, mà do công nhân tự đóng góp; tổ trưởng phần lớn lại là chủ nhà trọ nên khi tổ chức các hoạt động gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, “chúng tôi kiến nghị TP sớm hỗ trợ kinh phí cho mô hình này, có chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ trưởng tổ tự quản, mới mong nâng cao chất lượng hoạt động”, ông Tuyến nhấn mạnh.