Tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung nhiều nội dung đổi mới, khoa học, hướng đến thực hiện chính sách thuế minh bạch. Tuy nhiên, nhiều quy định được nhận định vẫn chưa cụ thể.

Một văn bản hướng dẫn kê khai thuế trên trang Web của Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sửa đổi toàn diện
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Dự Luật quy định việc quản lý các loại thuế và các khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước do cơ quan quản lý thuế thu. Về nội dung quản lý thuế được kế thừa các quy định hiện hành, đồng thời bổ sung các nội dung như: Không thu thuế; khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; quản lý hoá đơn, chứng từ; hợp tác quốc tế về thuế; kế toán, thống kê về thuế. Việc bổ sung thêm nhiệm vụ kế toán, thống kê về thuế nhằm phục vụ phân tích, đánh giá trong quản lý thuế.

Việc sửa đổi toàn diện này nhận được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, việc quy định áp dụng hóa đơn điện tử và quản lý thuế với thương mại điện tử là sự tiến bộ lớn trong lần sửa đổi này, góp phần bảo đảm minh bạch, tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, lộ trình triển khai thực hiện nội dung này như thế nào, cần được làm rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết góp phần phát huy hơn nữa những kết quả trong thực hiện cải cách và đổi mới quản lý thuế thời gian qua với những bước tiến quan trọng đặc biệt như giảm biên chế, giảm chi phí. Tuy nhiên, Dự Luật lần này có liên quan đến gần 10 luật hiện hành như Luật tổ chức Quốc hội, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán Nhà nước… Vì vậy, đề nghị, nên tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất các nội dung quy định trong Dự Luật với nhau và với các luật hiện hành.

Phải tránh được tình trạng

“cưa đôi” thuế

Nhiều nội dung mới Dự Luật đưa ra vẫn gây băn khoăn bởi những quy định này thể hiện chưa rõ, sẽ dẫn đến tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thu thuế. Như liên quan đến quy định về thẩm quyền xóa nợ thuế, Dự Luật bỏ thẩm quyền xóa nợ của Thủ tướng, mở rộng quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên, trường hợp đặc biệt báo cáo Thủ tướng xem xét trước khi quyết định; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng; Cục trưởng Cục Thuế và Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định: Quy định này mới, nhưng cũng không rõ thế nào là trường hợp đặc biệt, báo cáo đánh giá tác động không nói rõ một năm khoảng bao nhiêu tiền, ảnh hưởng tác dụng của nó như thế nào, nếu không có thể có nguy cơ lạm dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ, lâu nay khi nói đến quản lý thuế, chúng ta hay đặt vấn đề làm sao để chống thất thu, chống trốn thuế và nâng cao tỷ lệ tuân thủ. Bởi thế, đề nghị rà soát xem thực trạng trốn thuế thời gian qua xuất phát từ những quy định nào trong Luật Quản lý thuế hiện hành. “Dư luận phản ánh công tác quản lý thuế có cả tình trạng “cưa đôi”. Đề nghị rà soát lại trong Luật cái gì chưa chặt dẫn đến tình trạng cưa đôi, trốn thuế, thất thu” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc về quy định bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế tại Dự Luật này. Như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nhấn mạnh: Việc sửa đổi toàn diện luật lần này cần khắc phục được những tồn tại, hạn chế trước đây như sự can thiệp của cán bộ thu thuế trong quá trình quản lý thuế, để tránh được tình trạng chia chác về thuế vẫn âm ỉ trong dư luận. “Chúng ta nên áp dụng hình thức quản lý rủi ro, sử dụng công nghệ thông tin và tập trung chống cho được tình trạng chuyển giá, khắc phục tình trạng nợ đọng thuế” - Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần