Tạo điều kiện để nữ trí thức đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại tọa đàm "Nữ trí thức Hà Nội tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030", các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các sở, ban, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến, đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể nhằm phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng bền vững.

Theo TS Nguyễn Mạnh Dũng – Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Công nghệ lương thực phẩm, liên kết chuỗi trong cung ứng nông sản là con đường tất yếu đưa lại sự sản xuất và tiêu thụ ổn định, từng bước nâng cao chất lượng và uy tín của các mặt hàng nông sản cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
 PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm.
Tuy nhiên, để các chuỗi liên kết đi vào hoạt động ổn định và bền vững cần có những giải pháp mang tính chiến lược và giải quyết rất nhiều vấn đề. “Trước mắt, để các chuỗi liên kết này đem lại hiệu quả mong muốn cần phải đánh giá đúng vai trò, đồng thời có giải pháp hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia”, TS Nguyễn Mạnh Dũng nêu.
Trong khi đó, ThS. Nguyễn Viết Hiệp – Viện Phát triển Công nghệ và Giáo dục cho rằng, cần thiết phải xây dựng hệ thống giám sát, quản lý, minh bạch hóa và kết nối thị trường theo hướng thông minh các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, sẽ có bộ giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ quản lý, truy xuất, giám sát, minh bạch và kết nối thị trường các sản phẩm, gồm: Nhật ký điện tử; website hệ thống quản lý sản xuất dành riêng cho cơ sở; website hệ thống dành cho cơ quan Nhà nước; phần mềm in tem; camera trực tuyến; tem truy xuất QR-code; phòng chát trực tuyến; cổng thông tin E-GAP và kết nối thị trường.
Còn PGS.TS Nguyễn Thị Chính – Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi bày tỏ, cần được Nhà nước quan tâm để xây dựng mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu có hiệu quả kinh tế, giúp nâng cao hệ miễn dịch trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, góp phần xây dựng NTM cho Hà Nội và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để người dân nâng cao đời sống và có sức khỏe tốt.
PGS.TS Phan Thị Sửu, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam lại cho rằng, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản dưới Luật quy định, tổ chức, cá nhân khi tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải đáp ứng các điều kiện như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và con người. Hội sẽ phối hợp với các hội liên quan và Viện giúp các thành viên OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tư vấn các điều kiện đó.
 TS Nguyễn Mạnh Dũng – Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Công nghệ lương thực phẩm.
Đánh giá cao sự đóng góp của nữ trí thức trong quá trình xây dựng và bảo vệ Thủ đô, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, xây dựng NTM là mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước phát triển bền vững, nâng cao đời sống của Nhân dân. Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Hội Nữ trí thức Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 cho rằng, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đã thể hiện tinh thần tâm huyết, trách nhiệm của nữ trí thức Thủ đô trong công cuộc xây dựng NTM, góp phần xây dựng Thủ đô. Đồng thời yêu cầu, các sở, ngành TP nghiên cứu, hỗ trợ hội triển khai thực hiện. Cùng với đó, Hội LHPN TP Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình 02-CTr/TU; tổ chức tập huấn phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo; lồng ghép vào nội dung tập huấn việc truyền thông nâng cao sức khỏe, phòng chống bạo lực gia đình gắn với giáo dục đạo đức lối sống...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, Hội LHPN TP Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ các thành viên Hội Nữ trí thức Hà Nội thực hiện hiệu quả các đề xuất, qua đó đóng góp tích cực cho quá trình phát triển của Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần