Tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ đóng góp cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/10, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Diễn đàn Vai trò của phụ nữ với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình OCOP đã trở thành một chính sách trọng tâm, được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên cả nước. Chương trình đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp xã hội.
 Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn ngày 13/10
Kết quả đến nay, đã có 43 tỉnh, TP đánh giá, phân hạng được 2.088 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Trong số này có 48 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Hơn 1.220 chủ thể đã tham gia vào Chương trình OCOP, trong đó 38,5% là các hợp tác xã, 30,3% là các doanh nghiệp, còn lại là cơ sở, chủ thể cá nhân sản xất, kinh doanh… Trong đó có nhiều cơ sở do phụ nữ làm chủ.
Tại Diễn đàn, các cấp hội phụ nữ, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đã được các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp… chia sẻ, giải đáp về những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Định hướng về giải pháp chính sách trong giai đoạn tới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của Chương trình, hỗ trợ ngày một tích cực cho phụ nữ…
Theo Bộ NN&PTNT, qua khảo sát tại các địa phương, rất nhiều sản phẩm OCOP được sản xuất, kinh doanh bởi phụ nữ các tỉnh, TP. Sự tham gia tích cực, chủ động của các cấp hội phụ nữ đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả về kinh tế, xã hội của Chương trình OCOP.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngoài mục đích phát triển kinh tế, Chương trình OCOP còn có nhiều ý nghĩa trong giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, ở nông thôn. Đặc biệt với lao động nữ ở nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP là giải pháp để tăng thu nhập, nâng cao kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó là cơ hội để người phụ nữ thực hiện trách nhiệm với gia đình và cộng đồng địa phương.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm, Chương trình OCOP sẽ tập trung vào chính sách, giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy các chủ thể, trong đó có phụ nữ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị; hướng đến phát triển các sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị và bền vững trong phát triển nông thôn.
“Chùng tôi hy vọng Chương trình OCOP sẽ mang đến những điều kiện, cơ hội tốt nhất để phụ nữ, nhất là ở khu vực nông thôn, làm kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bản thân và gia đình. Bộ NN&PTNT sẽ luôn đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy Chương trình OCOP…” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.