Quy hoạch khu công nghệ cao sinh học
Tạo động lực tăng trưởng
Kinhtedothi - Dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội là dự án trọng điểm của Thủ đô với kỳ vọng tạo động lực để Hà Nội thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ sinh học. Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 2788/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, tỷ lệ 1/2000.
Với kỳ vọng tạo động lực để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ sinh học của cả nước và khu vực, Hà Nội đã phê duyệt dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội là dự án trọng điểm của Thủ đô. Với diện tích gần 200ha, khi hoàn thành dự án trọng điểm này sẽ trở thành trung tâm công nghệ sinh học tầm cỡ khu vực, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô.
Kỷ nguyên mới cho khu công nghệ cao
Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2007, nhưng quá trình triển khai gặp nhiều trở ngại do thay đổi địa giới hành chính năm 2008 và sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, và Luật Quy hoạch đô thị. Những khó khăn này, cùng với việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng và phê duyệt đề án, khiến dự án bị đình trệ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của TP trong việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để đẩy nhanh tiến độ, sau gần 20 năm, dự án đang bước vào giai đoạn triển khai mạnh mẽ.

Phối cảnh Khu công nghệ cao Sinh học Hà Nội thuộc địa giới hành chính của phường Từ Liêm. Ảnh minh họa
Ngày 29/9/2024, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ký Quyết định số 1054/QĐ-TTg thành lập Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược phát triển kinh tế công nghệ cao của Thủ đô. Dự án được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới cho ngành công nghệ sinh học Việt Nam. Trên phạm vi toàn cầu, công nghệ sinh học được xác định là lĩnh vực mũi nhọn với các ứng dụng đột phá trong nông nghiệp, y tế, và môi trường…
Phát biểu tại diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, TS Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (cũ), nhận định: “Công nghệ sinh học đã giúp nông nghiệp toàn cầu đạt năng suất vượt trội, giảm thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện môi trường. Việt Nam cần các dự án như Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội để bắt kịp xu thế”.
Trong suốt thời gian qua, các lãnh đạo UBND TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức nhiều cuộc họp cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về công tác lập Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, tỷ lệ 1/2.000; Đề án thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội; việc hoàn trả tiền giải phóng mặt bằng đối với số tiền Nhà nước đã ứng vốn và tiếp tục ứng vốn giải phóng mặt bằng.
Tại kỳ họp thứ 22, ngày 29/4/2025, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2.000. Mục tiêu của TP đặt ra, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng trước tháng 8/2025, khởi công đúng vào ngày 2/9/2025. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua, có nhiều quy định mới về phát triển khu công nghệ cao, là tiền đề để Hà Nội có những cơ chế và điều kiện để thúc đẩy triển khai các khu công nghệ cao.
Phù hợp nhu cầu phát triển
Mới đây, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 2788/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, tỷ lệ 1/2000. Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội thuộc địa giới hành chính của các phường: Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm (cũ). Về quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất dựa trên nguyên tắc các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được xác định phù hợp với định hướng đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc chính với mật độ xây dựng gộp tối đa 30%; tầng cao công trình từ 1 tầng đến 8 tầng và quy hoạch một số công trình điểm nhấn kết nối từ trục đường Tây Thăng Long đến khu công viên Trung tâm có tầng cao từ 1 tầng đến tối đa 25 tầng...
Tổng diện tích khu đất lập quy hoạch là 199,03ha được sử dụng cho các chức năng: Đất phục vụ cho các hoạt động công nghệ cao; đất dịch vụ; đất y tế; đất đào tạo, nghiên cứu; đất giáo dục; đất cây xanh sử dụng công cộng; đất cây xanh chuyên dụng; đất nhà lưu trú chuyên gia/người lao động; đất hạ tầng kỹ thuật khác; bãi đỗ xe cấp đô thị; đất bãi đỗ xe; mặt nước (hồ); mặt nước; đất giao thông. Đối với bố cục không gian kiến trúc toàn khu, khu vực quy hoạch được tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan được xác định theo nguyên tắc: Bảo đảm kết nối hài hòa không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan của khu vực với các dự án đầu tư, các khu vực dân cư hiện trạng và khu vực xung quanh; không gian chính của khu vực quy hoạch là trục không gian theo hướng Bắc - Nam, tiếp giáp với tuyến đại lộ Tây Thăng Long phía Nam dự án.
Mục tiêu lập quy hoạch là cụ thể hóa định hướng các đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Đề án thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội; các quy hoạch chuyên ngành, mạng lưới liên quan, đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo định hướng của các đồ án quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội có chức năng thực hiện các hoạt động công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển công nghệ cao trên thế giới và chính sách, định hướng phát triển công nghệ cao của Việt Nam, trong đó ưu tiên lĩnh vực công nghệ sinh học.
Theo Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới và chính sách, định hướng phát triển của Việt Nam, trong đó ưu tiên lĩnh vực công nghệ sinh học. Với mục tiêu này, đồ án quy hoạch đã xác lập với tiêu chí ưu tiên là lĩnh vực công nghệ sinh học với ứng dụng công nghệ cao, hiện đại; môi trường nghiên cứu, làm việc và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đạt tiêu chuẩn cao; hạ tầng đồng bộ.
Dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội không chỉ là biểu tượng đổi mới sáng tạo mà còn là động lực để Hà Nội vươn lên thành trung tâm kinh tế - công nghệ hàng đầu. Khi đi vào hoạt động, khu công nghệ cao được kỳ vọng sẽ đủ năng lực để cạnh tranh với các trung tâm công nghệ sinh học trong khu vực; góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Trích dẫn
Luật Thủ đô 2024 đã phân quyền cho UBND TP Hà Nội được quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao trên địa bàn TP là điều kiện rất tốt, mở ra Kỷ nguyên mới cho khu công nghệ cao ở Hà Nội. Chính quyền TP cần nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt để khai thác tối đa hiệu quả các cơ chế thúc đẩy khu công nghệ cao trên địa bàn.

Gian lận công nghệ cao: Bài học đắt giá từ mùa thi tốt nghiệp THPT 2025
Kinhtedothi - Lần đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng như một công cụ gian lận ngay trong giờ làm bài. Từ việc chụp đề gửi lên ứng dụng giải bài bằng AI đến sử dụng camera siêu nhỏ, tai nghe không dây…, các thí sinh tại Hà Nội và Lâm Đồng đã bị phát hiện và bị khởi tố với cáo buộc làm lộ, chiếm đoạt bí mật Nhà nước.

Hội thảo Hợp tác y sinh Việt Nam - Cuba: đòn bẩy đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm công nghệ cao
Kinhtedothi - Sáng 28/6 UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Viện Kinh tế Xanh tổ chức Hội thảo Hợp tác Công nghệ y sinh Việt Nam - Cuba, một sự kiện then chốt nhằm cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Lừa đảo công nghệ cao gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng
Kinhtedothi - Năm 2025 chứng kiến sự bùng phát của các hình thức lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý người dùng, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cả về tài sản lẫn dữ liệu cá nhân.