Tạo dựng niềm tin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Rau sạch, rau sạch đây!”, nghe tiếng chị Huệ, cả phòng làm việc của chị Hạnh hơn 10 chị em ai nấy đều vui mừng. Tiếng chị Huệ đã quen thuộc với tất cả mọi người, bởi tuần nào chị cũng 2 - 3 lần đạp xe đến để giao "rau sạch".

 "Các chị ơi, hôm nay nhà em có rau ngót, rau bí và rau mồng tơi ạ!" - chị Huệ đon đả mời chào. Nhìn những mớ rau tươi ngon được xếp ngay ngắn trong chiếc sảo tre, chị Hạnh nhanh nhảu: "Vâng, chị cứ để đấy, chúng em mua hết cho". Nói rồi, mỗi chị em chia nhau vài mớ rau, tùy theo khẩu vị từng nhà. Từ ngày mua rau của chị Huệ, chị Hạnh cũng như các đồng nghiệp yên tâm hẳn, không lo lắng rau nhiễm thuốc bảo vệ thực vật như trước, vì rau nhà chị Huệ sản xuất tuân thủ đúng quy trình an toàn.

Cất rau xong đâu đấy, câu chuyện về rau sạch lại tiếp tục được bàn luận sôi nổi. "Hôm qua, bà Minh gần nhà tôi mua rau muống ngoài chợ, cả nhà ăn bị ngộ độc phải đi viện cấp cứu. Nghe nói, bác sĩ chẩn đoán là ăn phải rau muống tồn dư lượng thuốc kích thích cao" - chị Hạnh kể. Nghe vậy, chị Hiền tiếp chuyện: "Mớ rau có vài ngàn đồng mà hậu quả đáng sợ thật. Thời buổi bây giờ, ăn cái gì cũng lo độc hại". "Nghe nói hồi đầu tháng, Thanh tra Sở NN&PTNT còn phát hiện cả HTX sản xuất rau an toàn thu mua rau không rõ nguồn gốc đưa vào siêu thị đấy" - chị Trinh góp lời.

Nghe chuyện, chị Hạnh bỗng thở dài. Trong khi chính quyền địa phương và toàn TP đang nỗ lực xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn nhằm đảm bảo ATTP thì vẫn có những "con sâu làm rầu nồi canh". Cũng chính vì những "con sâu" ấy, không ít người tiêu dùng mất đi lòng tin về "rau sạch", rau an toàn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu, uy tín của cả vùng sản xuất. Đã có lần vì một cơ sở sản xuất rau không đảm bảo mà cả vùng rau phải gánh chịu hậu quả. Chị Hạnh chợt nghĩ: "Nếu hộ trồng rau nào cũng có ý thức như chị Huệ, tuân thủ đúng quy trình sản xuất an toàn thì không khó để xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng".