Tạo dựng thương hiệu từ nghệ thuật

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhiều sự kiện văn hóa lớn diễn ra tại Hà Nội nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng trong nước và quốc tế. Không chỉ mang đến bầu không khí sáng tạo đa dạng, sôi nổi, các chương trình, sự kiện còn thể hiện tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, tạo dựng thương hiệu cho Thủ đô.

 Ca sĩ quốc tế chụp ảnh lưu niệm cùng khán giả tại Monsoon Music Festival 2019. Ảnh: Ban tổ chức

Nghệ thuật chuyên nghiệp, đa dạng
Hà Nội đang là đơn vị tổ chức, nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, khẳng định thương hiệu và vị thế của Thủ đô như: Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon Music Festival), Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản – Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội… Vừa qua, Lễ hội âm nhạc Gió mùa (MMF) diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long. Chương trình đã được UBND TP Hà Nội thông qua kế hoạch tổ chức 4 năm (từ nay đến 2022). Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Phương Hòa, các cơ quan văn hóa đang lên kế hoạch xây dựng MMF thành một thương hiệu văn hóa, như một nét riêng biệt vun đắp cho danh hiệu "Thành phố sáng tạo" mà Hà Nội vừa được UNESCO công nhận.
Đến năm thứ 5, chúng tôi đã tạo ra được cộng đồng, hệ sinh thái giữa nhà tổ chức, bên cung cấp thiết bị, nghệ sĩ. 5 năm, Liên hoan đã thu hút sự tham gia biểu diễn của 200 nghệ sĩ, 125.000 khán giả, 2.000 tình nguyện viên, 75 nhà tài trợ và đối tác. Chúng tôi mời cả nghệ sĩ tên tuổi, nghệ sĩ trẻ, xen kẽ các dòng nhạc khác nhau như jazz, EDM, thể nghiệm, tạo ra sự cởi mở cho khán giả của Monsoon.
Nhạc sĩ Quốc Trung – Tổng đạo diễn MMF
Và để trở thành chương trình âm nhạc mang thương hiệu của Hà Nội, Ban tổ chức chương trình đã cho thấy sự chuyên nghiệp từ những khâu nhỏ nhất. Đơn cử, MMF không bán vé giấy, khán giả sử dụng vé điện tử (vòng đeo tay) nhiều màu sắc, bền, thời trang và thân thiện với môi trường. Theo nhạc sĩ Quốc Trung – Tổng đạo diễn MMF, năm 2019, chương trình đã có những sự tiến bộ vượt bậc về chất lượng âm thanh, ánh sáng với sự trợ giúp của những hãng cung cấp thiết bị nổi tiếng nhất trên thế giới.
Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các sự kiện âm nhạc mang tầm quốc tế, Hà Nội còn là nơi tổ chức, diễn ra các lễ hội văn hóa vươn tầm châu lục, quốc tế như Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản – Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Sau nhiều năm diễn ra, những sự kiện trên đã trở thành thương hiệu của Thủ đô. Trong lần thứ 3 tổ chức, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản – Hà Nội đã có nhiều cải tiến, mở rộng cả về quy mô và chất lượng. 20.000 cành hoa anh đào cùng 300 cây hoa anh đào khoe sắc rực rỡ. Lễ hội này thậm chí còn phải kéo dài thêm thời gian vì đón nhận sự tham gia của nhiều du khách. Hay Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ V (HANIFF 2018) có sự tham gia của hơn 500 phim truyện, phim ngắn (tài liệu, khoa học, hoạt hình) của gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Sáng tạo cần thị trường
Tại Hội thảo “Tầm nhìn chuyên môn hóa trong việc tổ chức các chương trình nghệ thuật tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhìn nhận, ở Việt Nam, tính liên kết của ngành công nghiệp văn hóa chưa cao. Vì thế, công chúng chưa thực sự mặn mà với một số sản phẩm văn hóa. Thế nên, cần thiết phải nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp của các chương trình văn hóa nghệ thuật để tạo được niềm tin và sự quan tâm của công chúng. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, sự sáng tạo nào cũng cần phải có thị trường. Bởi vậy, cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để tránh vi phạm bản quyền.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn đưa ra dẫn chứng về việc Hà Nội vừa được công nhận là Thành phố sáng tạo và minh chứng cho hướng đi sáng tạo của Thủ đô là thông qua những chương trình như: Monsoon Music Festival, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. “Nhờ chính những yếu tố văn hóa – nghệ thuật, sáng tạo này, chúng ta sẽ hình thành nên một sự phát triển mới của Thủ đô. Bởi trong hồ sơ đăng ký, Hà Nội có chương trình hành động như xây dựng các trung tâm sáng tạo trong Hà Nội, xây dựng thành phố thông minh, chương trình nghệ thuật tạo dựng thương hiệu cho Hà Nội” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần