Tạo lập không gian sống văn minh đô thị

TS. Nguyễn Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển thị trường bất động sản (BĐS) hướng tới không gian sống văn minh là một chủ đề cần nghiên cứu trong bối cảnh Việt Nam đang đô thị hóa mạnh mẽ để bắt kịp với quá trình công nghiệp hóa, hội nhập hóa và thị trường hóa.

Từng bước nâng cao chất lượng sống

Việc phát triển các khu đô thị, các khu ở mới đã tạo nên nhiều điểm nhấn về cảnh quan với dáng vẻ hiện đại cho Thủ đô bên cạnh vẻ đẹp truyền thống của khu phố cổ, các làng cổ như Khu đô thị Mỹ Đình, Ciputra, Vinhomes Long Biên riverside hay các tòa cao ốc như Keangnam, Lotte… Nhiều khu đô thị có hệ thống hạ tầng hiện đại, kết nối với hệ thống giao thông công cộng, áp dụng phương thức quản lý ứng dụng công nghệ thông tin mang lại chất lượng cuộc sống rất tốt cho người dân.
Không gian xanh tại Khu đô thị Vinhomes Riverside Long Biên.
Thực tế cho thấy, việc tạo ra các không gian sống văn minh đã mang lại lợi ích cho cả người mua và người bán. Các dự án BĐS được thiết kế, xây dựng đảm bảo không gian sống văn minh, với kiến trúc đẹp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đầy đủ, tiện nghi, với phương thức quản lý, vận hành công khai, nghiêm túc, phù hợp với nhu cầu cuộc sống của cư dân luôn thu hút được sự quan tâm của khách hàng và sản phẩm của các dự án này có tính thanh khoản cao trên thị trường.

Những hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế trong việc phát triển các không gian sống văn minh hiện nay của TP Hà Nội. Thứ nhất, chưa có mô hình, các tiêu chí mẫu cho không gian sống văn minh của một đô thị, trong khi nhận thức của cộng đồng dân cư về vấn đề này cũng chưa rõ. Hiện nay, việc xây dựng các đô thị chủ yếu theo các quy chuẩn về xây dựng và các quy chuẩn này cũng đã thể hiện khá đầy đủ yêu cầu tối thiểu của một đô thị văn minh trong hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, những vấn đề như kiến trúc đô thị; văn hóa, lối sống của cư dân đô thị; các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của đô thị đối với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính chưa được thống nhất, hướng dẫn cụ thể. Những nội dung này đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội, khi diện tích phát triển các khu đô thị ngày càng lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu diện tích đất đô thị trong tương lai (đặc biệt khi các đô thị vệ tinh được xây dựng).

Thứ hai, chưa có chính sách để yêu cầu, khuyến khích các nhà đầu tư trong việc xây dựng các khu đô thị văn minh. Thực tế cho thấy, không ít các dự án khi triển khai chỉ tập trung xây dựng các khu ở và các tiện ích tối thiểu chứ không quan tâm xây dựng các công trình xã hội như trường học, nhà trẻ, không gian công cộng, sân chơi... Việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản trị các tòa nhà như thành lập ban quản trị, quản lý quỹ bảo trì, xây dựng nếp sống văn minh trong các khu ở cũng không được triển khai đầy đủ, nhiều khu đô thị mặc dù người dân ở quá 5 năm nhưng chưa có ban quản trị và chưa được bàn giao quỹ bảo trì. Đến nay, chưa có giải pháp nào hiệu quả cho việc bắt buộc các chủ đầu tư phải xây dựng đầy đủ các thiết chế hạ tầng xã hội và thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý khu chung cư mà chủ yếu phụ thuộc vào ý thức, tính tự giác của các nhà đầu tư.

Thứ ba, việc tiếp cận những sản phẩm BĐS để đáp ứng yêu cầu của đô thị văn minh của các đối tượng xã hội (người có thu nhập thấp, công chức Nhà nước, sinh viên...) còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do nhà đầu tư nhà ở xã hội tiết kiệm chi phí, không thực hiện việc xây dựng đầy đủ các thiết chế trường học, công viên, khu vui chơi, không áp dụng các công nghệ hiện đại trong quản trị khu ở… để có được các sản phẩm giá rẻ cung ứng cho thị trường. Trong khi chưa có chính sách hỗ trợ hiệu quả để hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các hoạt động này.

Giải pháp nào?

Trong giai đoạn tới, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội được dự báo sẽ vẫn diễn ra rất cao, hàng trăm dự án khu đô thị mới sẽ được xây dựng, đặc biệt tại các đô thị vệ tịnh, tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường BĐS. Vì vậy, việc định hướng, xây dựng và triển khai các giải pháp để phát triển thị trường BĐS theo hướng tạo lập không gian sống văn minh, vừa mang lại vẻ đẹp cho Thủ đô, vừa tạo được môi trường sống tốt với cư dân cần được quan tâm triển khai.

TP Hà Nội đã có rất nhiều giải pháp để phát triển thị trường BĐS góp phần xây dựng các không gian sống văn minh.
Trong thời gian tới, khuyến nghị TP tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục ban hành và triển khai chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các khu đô thị có không gian sống văn minh. Trong đó, nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí để định hình các đô thị có không gian sống văn minh, có những nét đặc trưng của Hà Nội. Đơn cử như nhóm tiêu chí về văn hóa: Bao gồm các nội dung về mô hình quản lý, vận hành khu đô thị, các khu ở; các nội dung về ứng xử văn minh trong khu ở...

Thứ hai, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư trong việc thực hiện nghiêm túc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với các khu đô thị đã và đang xây dựng; giám sát việc triển khai các mô hình quản trị trong các khu ở, ban hành các quy định và hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các khu ở.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, định hướng cho cộng đồng dân cư trong việc hiểu rõ về không gian sống văn minh trong đô thị; quyền lợi và trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng không gian sống văn minh. Trong đó, nên tổ chức hoạt động chấm điểm, nêu gương các khu đô thị văn minh. Định kỳ 2 - 3 năm, thực hiện việc bình chọn, xếp hạng, nêu gương các khu đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí. Thông qua các tiêu chí đã được xây dựng, làm căn cứ để cho cộng đồng xã hội và các nhà quản lý đánh giá, xếp hạng hàng năm các khu đô thị để vinh danh các nhà đầu tư thực hiện tốt công tác này...