Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô: Quan trọng nhất phải thượng tôn pháp luật

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải pháp căn cơ để kiến tạo các khu đô thị mới “chuẩn văn minh” nằm ở sự chủ động chấp hành pháp luật từ chủ đầu tư. Đó là khẳng định của các chuyên gia tại hội thảo khoa học cấp TP “Phát triển thị trường bất động sản (BĐS) - tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức ngày 23/12.

Còn tồn tại thách thức kép

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị tán thành nhận định: Không gian sống đô thị là thước đo chất lượng sống. Nếu nhìn vào thước đo này, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã và đang phải đương đầu với hiện tượng xây dựng các khu đô thị mới kiểu “đô thị – phòng ngủ”.

Theo thống kê của Viện Quy hoạch Xây dựng, hiện nay, Hà Nội có hơn 700 khu đô thị và các dự án chung cư cao tầng đã và đang được xây dựng, chủ yếu tập trung tại các quận ven đô như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai với tổng diện tích đất xây dựng 30.000ha, giải quyết chỗ ở cho khoảng 1 - 1,2 triệu dân. Với quy mô lớn như vậy, các khu vực phát triển mới phải góp phần chủ yếu vào việc xây dựng không gian sống văn minh của TP.
 Khu đô thị Vinhomes Times City.   Ảnh:  Việt Dũng
ThS. KTS Nguyễn Thị Khánh Linh - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chỉ rõ thách thức kép trong nội tại các khu đô thị. Nếu khu vực đô thị cũ đang quá tải nặng nề thì những đô thị mới dù quá trình mở rộng diễn ra nhanh, song chất lượng đô thị hạn chế. Không hiếm khu đô thị mới chỉ phát triển các công trình để ở, đặt nặng lợi nhuận BĐS mà còn bỏ ngỏ các công trình dân sinh, hạ tầng xã hội.

Lý giải căn nguyên thực trạng trên, giới chuyên môn đều thẳng thắn cho rằng “chừng nào nghịch lý hạ tầng đi sau khu đô thị, chừng đó “căn bệnh đầu to” càng khó chữa. Khảo sát đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nhiều khu đô thị chỉ đạt khoảng 10 - 15% đất đô thị, trong khi yêu cầu tối thiểu cần từ 30 - 35%. Cụ thể hơn, diện tích đất giao thông của Hà Nội bình quân đầu người là 5,8m2, TP Hồ Chí Minh là 2,9m2, so với tiêu chuẩn thế giới chỉ đạt 20 - 25%. “Để khắc phục, theo kịp tốc độ tăng dân số đô thị, chỉ tính riêng Hà Nội, đến 2020, cần 25 tỷ USD để phát triển giao thông ngầm, giao thông tĩnh, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải đô thị” – bà Linh khuyến cáo.

Đã hình thành những mảng xanh

Dẫu còn một số thực trạng chung về ô nhiễm môi trường, giao thông, nhà ở… cần phải giải quyết, nhưng cũng phải thừa nhận, Hà Nội đang ngày càng đẹp lên nhờ những không gian thân thiện, văn minh. Ví dụ điển hình nhất, chính là phố đi bộ Hồ Gươm. Cách đây một năm, 16 tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm chính thức đi vào hoạt động. Ngay từ ngày đầu tiên, không gian xanh mát, không còn còi xe, khói bụi đã hoàn toàn chinh phục người dân và du khách nước ngoài. Cứ đến dịp cuối tuần, người dân, du khách lại có cơ hội tận hưởng cuộc sống tại phố đi bộ.

Ông Nguyễn Trần Nam - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, vấn đề trồng cây xanh đã kiến tạo thành công cảnh quan xanh của một đô thị xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, phố đi bộ là thành công rất lớn của Hà Nội. “Đây là nơi bình yên đúng nghĩa của đất Hà thành. Những hàng cây xanh rợp bóng, bầu không khí trong lành ngập tràn tiếng cười con trẻ đã xóa nhòa hết hình ảnh những bụi bặm ồn ào” – ông Nam nói, đồng thời chia sẻ thêm: Gần đây, Hà Nội có chủ trương lát đá vỉa hè bền vĩnh viễn, cá nhân tôi rất đồng tình. Việc lát đá xảy ra chuyện này chuyện kia là do công tác triển khai, còn về mặt chủ trương là hoàn toàn đúng đắn. Vỉa hè là bộ mặt đô thị, sắp tới, cần hạn chế xe máy, xe ô tô di chuyển lên vỉa hè.

Cần sự chung tay

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho rằng, để thị trường BĐS phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu tạo lập không gian sống văn minh cần sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan. “Nhà nước với việc xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích DN tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu trên, quản lý đảm bảo sự tuân thủ quy hoạch của các dự án trên địa bàn. DN với trách nhiệm sáng tạo và xây dựng các BĐS có chất lượng tốt, có không gian sống xanh, hiện đại, văn minh, tiết kiệm năng lượng, có phương án quản trị hiệu quả. Cộng đồng dân cư với trách nhiệm giám sát các dự án, ủng hộ các DN có sản phẩm chất lượng tốt và trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu về nếp sống văn minh trong các khu đô thị” – Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các chuyên gia, DN để tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, các chủ trương của TP đều có sự phản biện, đóng góp, xây dựng tích cực và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với mục tiêu phát triển văn minh của Hà Nội. “Chính quyền TP Hà Nội cũng ghi nhận những ý kiến bức xúc của người dân liên quan giao thông, vệ sinh môi trường, không gian văn hóa - sinh hoạt cộng đồng, hạ tầng xã hội quá tải; các vấn đề chiếu sáng đô thị, quản lý vỉa hè cho đến văn hóa ứng xử. TP sẽ từng bước giải quyết những bức xúc đó để xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày một văn minh hơn” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, TP Hà Nội mong mỏi các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiếp tục đóng góp các ý kiến xây dựng, phản hồi để tạo cơ hội cho chính quyền rà soát, đánh giá, điều chỉnh lại công tác triển khai, xây dựng chính sách theo hướng hiệu quả thiết thực. Đồng thời kêu gọi các DN nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật hiện hành trong hoạt động xây dựng, BĐS. 

Nếu các chủ đầu tư vì nôn nóng mà đưa các công trình không phép, sai phép hay chưa đảm bảo phòng cháy, chữa cháy vào sử dụng sẽ gây thiệt hại lớn cho DN, người dân và khó khăn cho TP trong quản lý. TP cần các DN thể hiện sự ủng hộ bằng sự thượng tôn pháp luật. Làm được điều đó cũng góp phần tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn
Tại hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia, DN đã được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và báo Kinh tế & Đô thị tập hợp để xây dựng báo cáo trình UBND TP Hà Nội. Trên cơ sở đó, tham vấn TP Hà Nội tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, chủ trương chính sách đặc thù; nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo đó, hướng tới môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, công khai minh bạch… tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo nền tảng xây dựng TP thông minh.
Bài học từ Đà Nẵng

Ông Nguyễn Phú Thái - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Đà Nẵng đã thẳng thắn chia sẻ bất cập lớn nhất của thị trường BĐS Đà Nẵng là nạn đầu cơ đất nền để Hà Nội rút ra bài học. Tình trạng trên gây ra hệ lụy là ở các quận trung tâm như quận Sơn Trà, Liên Chiểu tồn tại những khu đất trống, phát sinh ô nhiễm môi trường và vấn đề xã hội. Các dự án treo nhiều, có dự án rộng 5,5ha ngay trung tâm Đà Nẵng nhưng hàng chục năm chưa triển khai hay dự án 300 căn biệt thự ngay ở quận Liên Chiểu “đắp chiếu”... Điều này cũng làm cho đường cung về đất xây dựng rơi vào vòng luẩn quẩn “đầu cơ –đẩy giá”. Hệ lụy là đất sử dụng cho không gian công cộng bị thu hẹp lại. Cây xanh, công viên rất ít, chủ yếu là nhà cao tầng...
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch BĐS G5: Bảo đảm mật độ xây dựng để giữ không gian xanh

Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, chuẩn xanh. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước, Hà Nội vẫn còn không ít điểm nóng giữa hạ tầng, giao thông và dân số, giữa những yếu tố kinh tế - xã hội với tiêu chí tăng trưởng xanh, bền vững.

Để hiện thực hóa việc xây dựng các khu đô thị văn minh, thứ nhất cần phát triển đồng bộ khép kín khu đô thị vệ tinh như Khu đô thị Hòa Lạc. Then chốt nhất là xây dựng chỗ ở cho người trẻ, thu nhập thấp (khu đô thị sinh thái giá rẻ), tạo công ăn việc làm, khu tiện ích (trung tâm thương mại, công viên, trung tâm y tế...). Miễn tiền sử dụng đất hoặc cho giãn tiền nộp 5 - 10 năm cho các loại hình kinh doanh dịch vụ, kinh doanh khởi nghiệp, khu nhà dành cho sinh viên, công nhân.

Thứ hai, phát triển khu công nghiệp sạch, kho bãi, khu triển lãm khu vực Đông Anh: Thiết lập các chợ về sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng đầu mối, đặc biệt ngành công nghiệp logistics. Tạo quỹ đất các khu nhà ở mật độ xây dựng thấp dưới 35% để giữ không gian xanh.

Cuối cùng, quy hoạch hoặc chuyển dịch các chợ đầu mối nông sản, thủy sản ra ngoại thành phía Bắc Hà Nội (như Gia Lâm) hoặc các tỉnh giáp Hà Nội (như Hưng Yên, Hà Nam...) nhằm giảm bớt phương tiện từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam "di cư ngược" vào nội đô.