Tạo lập quỹ nhà ở xã hội: Cần giảm lãi suất cho vay

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành ký Quyết định số 1232/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho các khoản vay liên quan đến nhà ở xã hội (NƠXH) là 4,8%/năm. Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, mức lãi suất cho vay cần phải hạ thấp hơn để giúp người thu nhập thấp tạo lập chỗ ở.

 Nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Nguồn cung khan hiếm, giá bán tăng
Theo số liệu Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn cung mới NƠXH càng trở nên khan hiếm. Cụ thể, hiện nay, có 206 dự án NƠXH với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích 8.435.000m2 đang bị chậm tiến độ hoặc dừng thi công. Trong khi đó, nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án BĐS nói chung và NƠXH nói riêng chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng, tiền ứng trước của khách hàng, chủ đầu tư thường chỉ có 20 – 30% tổng vốn đầu tư.
“Nhà nước chưa có định chế tài chính như ngân hàng tiết kiệm nhà ở để huy động vốn nhàn rỗi trong Nhân dân phát triển nhà ở, đặc biệt là NƠXH. Dư nợ BĐS tập trung chủ yếu vào các phân khúc có giá bán cao. Mức thuế đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân chưa hạn chế được trình trạng đầu cơ nhà, đất dẫn đến việc giá bán BĐS liên tục gia tăng” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay.
Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho biết, đến nay, đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng NƠXH. Trong đó đã hoàn thành 248 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, tổng diện tích 5.175.000m2; đang tiếp tục triển khai 264 dự án và 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng. “Tổng diện tích hơn 5.175.000m2 đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra. Việc thiếu nguồn cung dẫn tới giá bán liên tục gia tăng, căn hộ bình dân thời điểm hiện tại ở Hà Nội tăng 0,77%, TP Hồ Chí Minh tăng 0,94% so với đầu năm” – ông Nguyễn Trọng Ninh nói.
Thiếu nguồn “vốn mồi”
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành, hiện nay, cả nước có trên 5.000 dự án nhà ở, chủ yếu là nhà ở thương mại (NƠTM), NƠXH chỉ chiếm khoảng 20%. Việc tính giá trị quỹ đất 20% cho NƠXH trong các dự án NƠTM có nhiều bất cập, theo đó Nghị định 100/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014, cho phép những dự án NƠTM diện tích dưới 10ha được chuyển giao bằng hình thức nộp tiền đối với diện tích 20% này. “Nếu như tất cả các dự án NƠTM đều bắt buộc phải dành ra 20% diện tích để xây dựng NƠXH thì quỹ nhà ở này sẽ không đến mức thiếu hụt như hiện nay và cũng bảo đảm sự công bằng cho những người thu nhập thấp, khi cùng được hưởng tiện ích hạ tầng hiện đại tại các dự án NƠTM dành cho người thu nhập cao hơn” – ông Nguyễn Huy Thành nhìn nhận.
Ở khía cạnh khác, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, việc thiếu nguồn “vốn mồi” là nguyên nhân chính khiến cho quỹ NƠXH bị thiếu hụt trong thời gian gần đây. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cần bố trí nguồn vốn ngân sách thường xuyên để tạo lập quỹ NƠXH. “Ngoài ra, lãi suất vay ưu đãi hiện nay là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, 5% tại ngân hàng thương mại là phù hợp nhưng về lâu thì nên duy trì ở mức từ 3 – 3,5%/năm để tạo thanh khoản tốt hơn cho thị trường” – ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Quy chế quy định về mức lãi suất tiền gửi cũng cần phải có sự điều chỉnh. Vì theo Văn bản số 2510/2016/NHCS-TDSV của Ngân hàng Chính sách xã hội, yêu cầu người mua nhà phải đóng ít nhất 20% giá trị hợp đồng nhưng phải gửi tiết kiệm và trả lãi vay hàng tháng trong năm đầu tiên, nếu cộng cả tiền gốc thì người mua vốn đã gặp khó khăn về tài chính càng trở nên khó khăn hơn.
Luật sư Nguyễn Hồng Thơm - Hội Luật gia Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần