Tạo “sân chơi” cho doanh nghiệp nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ban hành, song việc triển khai trên thực tế vẫn còn rất nhiều vướng mắc và bất cập.

Khó tiếp cận chính sách

DN được coi là yếu tố đóng vai trò then chốt trong chuỗi liên kết giá trị nông sản, nhất là triển khai sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Với tiềm lực về tài chính cũng như đảm bảo đầu ra cho nông sản, các DN sẽ giúp nông dân yên tâm hơn trong sản xuất. Đánh giá được vai trò của nhân tố này, thời gian qua, nhiều chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành. Thực tế, trong năm 2015 cũng ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ của làn sóng đầu tư vào nông nghiệp khi nhiều tập đoàn, DN lớn như Vingroup, Viettel, FPT, Hoàng Anh Gia Lai… chuyển hướng sang đầu tư vào lĩnh vực vốn được coi là “lắm rủi ro” này.
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT Hà Nội thăm mô hình chăn nuôi công nghiệp của Công ty CP Thiên Thuận Trường,      TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. 	Ảnh: Quang Thiện
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT Hà Nội thăm mô hình chăn nuôi công nghiệp của Công ty CP Thiên Thuận Trường, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quang Thiện
Mặc dù vậy, làn sóng trên chưa đủ mạnh để vực dậy sự yếu ớt của dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Số DN tham gia đầu tư thực sự bền vững còn khá khiêm tốn, chưa nói đến nhiều DN rơi rụng dần vì đầu tư kém hiệu quả. Ngay giữa năm 2015, Bộ NN&PTNT đã thành lập nhóm Câu lạc bộ các nhà đầu tư vào nông nghiệp gồm gần 30 “ông lớn” với mục tiêu dùng những “đầu tàu” này tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư. Dù đã có chút tác động ban đầu, song nhìn chung vai trò của câu lạc bộ này vẫn chưa rõ nét.

Điều đáng nói là việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các DN vẫn có hạn chế. Điển hình nhất là Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Dù đã có hiệu lực được gần 2 năm, song theo bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), kết quả thực hiện chính sách còn hạn chế do thông tin tới nhà đầu tư chậm. Hơn nữa, một số quy định còn mang tính chất kỹ thuật và quá chặt chẽ. Điều này trở thành “hàng rào” ngăn cản DN tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Mở cơ chế ưu đãi
Phải có nhiều DN mạnh làm đầu tàu trong chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản mới thành công được. Bài học hơn một năm vừa qua là nơi nào chính quyền quan tâm thực sự đứng ra hướng dẫn, tổ chức, hỗ trợ các DN và nông dân thì nơi đó đạt kết quả tốt hơn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Cao Đức Phát 

Bước vào năm đầu tiên thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020, Bộ NN&PTNT xác định tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, tạo được chuyển biến rõ rệt hơn trên thực tiễn. Trong đó, Bộ sẽ hoàn thành sắp xếp đổi mới các DN Nhà nước thuộc Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân với DN, nhà khoa học, các tổ chức tín dụng, lấy DN làm nòng cốt trong chuỗi giá trị.

Thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới cơ chế thu hút DN đầu tư vào ngành, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, Nghị định 210 của Chính phủ là chính sách khá toàn diện, thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để đẩy mạnh hơn nữa các DN tham gia đầu tư, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến Dự thảo bổ sung Nghị định 210, trong đó kêu gọi các DN nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực mà DN trong nước chưa làm được như sản xuất vật tư nông nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Ông Tuấn cũng cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện nay, Nhà nước ngày càng giảm đi việc hỗ trợ ngân sách cho DN mà thay vào đó cần tạo cơ chế, sân chơi thuận lợi cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là cơ chế về đất đai, tín dụng và thuế.