Tạo sân chơi nhận diện ẩm thực Hà Nội

Khánh Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ẩm thực Hà Nội đã trở thành nét văn hóa của Thủ đô. Nhưng sự nổi tiếng trong món ăn của vùng đất Kinh kỳ chỉ biết đến qua vài cuộc dạo chơi của các nhà lãnh đạo thế giới, hoặc trong một vài sự kiện mang tính kỳ cuộc.

Dự kiến, vào đầu tháng 6 và tháng 10/2019, một loạt các sự kiện mang tính quảng bá ẩm thực Thủ đô đến số đông du khách sẽ được tổ chức, qua đó để tăng tính nhận diện giá trị riêng của ẩm thực Hà Nội...
Những món ngon Hà Nội
Từ xa xưa cho đến tận bây giờ, nấu và thưởng thức món ăn là cả một nghệ thuật của người Hà Nội. Nét tinh túy của cả một nền nghệ thuật ẩm thực đã tạo nên tinh hoa trong văn hóa của người Hà Nội. Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Phương Hải nhận định: “Ẩm thực Hà Nội luôn có cách chế biến riêng và hơn thế ẩm thực đã trở thành một nét văn hóa của Thủ đô”.
Mỗi món ăn của Hà Nội đều mang trong mình những câu chuyện dài về lịch sử và các nét văn hóa. Đơn cử như giò, chả Ước Lễ thuộc xã Tân Ước, Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km. Khi hoa đào nở rộ báo hiệu một mùa Xuân mới, đón Tết Nguyên đán cũng là lúc cả làng lại tập trung làm giò, chả để cung cấp đi khắp mọi miền.
 
Không biết làng nghề có từ khi nào, chỉ biết rằng từ thời vua Tự Đức nhà Nguyễn làng Ước Lễ với nghề truyền thống làm giò, chả đã trở thành làng quê giàu có, lập ra xã thương cứu đói cho hàng tổng nên triều đình ban tặng biển ngạch “Mỹ tục khả phong”. Giò, chả Ước Lễ khác hẳn với giò của những nơi khác: Xanh ở vỏ ngoài, hồng ở bên trong, có nhiều lỗ nhỏ. Giò lụa ăn có vị giòn, ngọt, thơm mùi thịt mà không bã.
Chả cũng ngon, ngọt và có mùi quế đặc trưng. Ngày nay, bên cạnh giò lụa và chả quế truyền thống, người làng Ước Lễ còn làm thêm nhiều thứ giò, chả khác như: Giò bò, giò gà, chả bìa, chả cốm… Ở Hà Nội, hiện có rất nhiều gia đình Ước Lễ làm giò ở các phố Vọng, phố Huế, phố Lê Văn Hưu, phố Trần Xuân Soạn…
“Hà Nội là Kẻ Chợ, là đất trăm nghề, là nơi hội tụ của sự tinh túy. Các món ăn Hà Nội là sự tinh lọc tinh hoa của các vùng miền. Cụ Nguyễn Tuân và cụ Vũ Bằng viết về món phở Hà Nội rất hay, nhưng chưa đủ. Món phở là tinh hoa của đất nước, chứ không phải của riêng Hà Nội. Các gia vị tạo nên món phở cũng là từ tứ xứ mang về và công thức làm món phở cũng là nơi khác mang đến. Người Hà Nội, với nghệ thuật ẩm thực tài hoa, đã chắt lọc và tạo nên sự tinh tế cho món phở mà không đâu ngon bằng” – nghệ nhân Nguyễn Phương Hải.
Một trong những thương hiệu phở nổi tiếng của Hà Nội là phở Thìn. Quán phở nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Đinh Tiên Hoàng, không bày trí cầu kỳ, không biển bảng treo cao; nhưng lúc nào cũng đông khách vào ra. Phở Thìn không chỉ cuốn hút người Việt, mà còn khiến du khách quốc tế đến rồi vẫn muốn quay lại thưởng thức. Quầy nấu phở Thìn ở Trung tâm báo chí trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 lúc nào cũng náo nhiệt người ăn, phóng viên quốc tế tấm tắc khen ngon.

"Sau sự kiện quảng bá thương hiệu ẩm thực Thủ đô, từ đầu tháng 4 vừa qua, Hà Nội lại tiếp tục đưa đến cho các bạn ở TP Toulouse (Pháp) nhiều điều bất ngờ. Trong khuôn khổ Hội nghị phi tập trung Việt - Pháp lần thứ 11 tại Pháp, TP Hà Nội đã mang đến nước bạn một chương trình giới thiệu văn hóa - ẩm thực Thủ đô với những môn nghệ thuật dân gian và các món ăn truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội, khiến bạn bè quốc tế vô cùng ngạc nhiên và ngưỡng mộ nền văn hóa ẩm thực của Hà Nội. Điều đó càng chứng minh rằng, ẩm thực Hà Nội đủ sức “vươn ra biển lớn” và có thể trở thành một ngành công nghiệp thực thụ, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành văn hóa và du lịch Thủ đô trong thời gian tới." - Trưởng phòng Quản lý Di Sản - Sở VH&TT Hà Nội Phạm Thị Lan Anh


"Ẩm thực Hà Nội tự thân nó đã là một nghệ thuật. Đã là nghệ thuật càng đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng. Từ thời cổ đại đến nay, ẩm thực vẫn luôn phát triển không ngừng trên nền tảng sáng tạo từ những yếu tố truyền thống. Chúng ta không nên gò ép việc bảo tồn ẩm thực truyền thống theo hướng không được thay đổi. Hà Nội ngày nay có thêm nhiều dòng phở khác được người dân, du khách công nhận là phở truyền thống của Hà Nội. Bởi thế, theo tôi, nghệ thuật ẩm thực của Hà Nội có quyền sáng tạo, tiếp nhận những cái mới dựa trên nền tảng truyền thống là cốt lõi. Có như vậy, chúng ta mới có thể nâng tầm, tạo điều kiện cho ẩm thực Hà Nội hội nhập với ẩm thực thế giới và ngày càng được nhiều người biết tới. " - TS Vũ Thế Long - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam

Khó có thể điểm lại Hà Nội có bao nhiêu món ăn. Nhưng từ quà vặt đến món ăn chính, ẩm thực Hà Nội đều có thể chiều lòng tất cả các vị khách. Nhưng mà, tiếng thơm của các món ăn Thủ đô vẫn còn được biết đến trong phạm vi hẹp.
Thiếu đi cái “hồn” của ẩm thực
Những bình chọn với các danh ngôn “Thiên đường ẩm thực của thế giới”, hay “Top những nước có nền ẩm thực ảnh hưởng nhất thế giới” trên các trang web, tạp chí nổi tiếng thế giới như Telegraph, CNN, National Geographic, South China Morning Post... dù đã giúp ẩm thực Hà Nội có tiếng vang trên thế giới. Nhưng ẩm thực Hà Nội chỉ thật sự nức tiếng sau khi các nhà lãnh đạo thế giới đến và mê mẩn ẩm thực Hà Nội.
Hình ảnh cựu Tổng thống Mỹ Barack Obma đã thưởng thức suất bún chả đặc biệt cùng bia Hà Nội với đầu bếp nổi tiếng tại một quán ăn bình dân lâu đời trên phố Lê Văn Hưu, Hà Nội đã được hàng trăm hãng thông tấn báo chí nước ngoài đưa tin. Sau khi thưởng thức bữa ăn giản dị, ông chủ Nhà Trắng đã dành lời khen cho món ăn được coi là “đặc sản” của Hà Nội. Sau đó, những hình ảnh các vị lãnh đạo thế giới dạo bộ, thưởng thức các đặc sản ẩm thực của Hà Nội đã trở nên thường thấy: Sự kiện Hoàng tử Anh William thưởng thức cà phê phố cổ hay cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande uống cà phê trên phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm) vào năm 2016. Năm 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân đã cùng thưởng thức món phở bò tại một cửa hàng ở Hà Nội. Và mới đây nhất, hồi tháng 2/2019, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã dừng chân thưởng thức cà phê ngay tại một quán vỉa hè...
Tất cả những điều đó cho thấy bên cạnh hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách là sức hấp dẫn của ẩm thực Hà Nội.
Thực tế, nhiều năm qua ẩm thực Thủ đô chưa được đánh giá, nhìn nhận đúng vai trò, vị trí của mình khiến cho việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội chưa xứng tầm. PGTS.TS Hoa Hữu Lân - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội nhìn nhận: Việc quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực Hà Nội thông qua công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch những năm qua chưa được coi trọng đúng mức. Cần phải nhận thức đúng về giá trị văn hóa ẩm thực như là một điểm nhấn nổi bật trong quảng bá du lịch nói chung và hình ảnh Thủ đô nói riêng. Ẩm thực Hà Nội mới chỉ chú ý đến khâu “thực”, còn phần “hồn” là các giá trị văn hóa lại chưa được chú trọng.
“Ẩm thực là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành như: Văn hóa, nông nghiệp, công thương, y tế, du lịch…, trong đó du lịch là ngành được thụ hưởng trực tiếp những giá trị của ẩm thực để phát triển và thu hút khách. Tài nguyên du lịch ẩm thực vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, cần được khai thác nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là loại hình du lịch nổi trội và khác biệt của Việt Nam, cần phải đưa vào chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới để từ đó có những chính sách phát triển hợp lý, đưa ẩm thực Việt Nam vươn tầm thế giới” - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho biết.
Để ẩm thực không “lép vế”
Sự thiếu đồng bộ, thiếu chuyên nghiệp trong việc kinh doanh và quảng bá các món ăn khiến cho nghệ thuật ẩm thực của Hà Nội và Việt Nam chưa có vị trí xứng đáng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam, Ẩm thực Hà Nội mới chỉ được biết đến ở các sự kiện đơn lẻ, mang tính chất quy mô nhỏ; hoặc theo hình thức hình ảnh mà thiếu thực tế. Cụ thể, là các hình thức giới thiệu, xúc tiến đưa món ăn để du khách chưa từng đến Việt Nam hoặc đã đến Việt Nam có thể trực tiếp thưởng thức không nhiều. Đa phần, du khách phải tự tìm đến theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên hoặc thông qua việc tìm hiểu các trang thông tin.
Năm 2018, Hà Nội bắt đầu chú trọng đến các hình thức quảng bá ẩm thực bằng hình thức lễ hội. Một không gian văn hóa ẩm thực đậm chất văn hóa Kinh kỳ đã được bày ra tại Công viên Thống Nhất, trong 3 ngày thu hút hàng vạn người tham gia.
10 món ăn đặc sắc của Hà Nội đã được giới thiệu trong lễ hội văn hóa ẩm thực lần này, đó là bánh cuốn Thanh Trì, cốm Mễ Trì, xôi chè Phú Thượng, bánh tẻ Phú Nhi, tương Đường Lâm, giò chả Ước Lễ, bánh chưng Tranh Khúc, bánh dày Quán Gánh, phở Hà Nội, bún Phú Đô. Điểm khác biệt giữa lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 với các lễ hội ẩm thực khác là du khách sẽ cùng tìm hiểu về những bí quyết nhà nghề để giữ cho xôi chè Phú Thượng hai ngày không thiu hay giò Ước Lễ có độ xốp, mềm và ngon.
Tiếp đến, Hà Nội lại tiếp tục tranh thủ sự chú ý của truyền thông quốc tế trong khuôn khổ sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều để bày và giới thiệu các món ăn Hà Nội tại Trung tâm báo chí quốc tế. Những món ăn truyền thống đặc trưng của ẩm thực Thủ đô như: Bún thang bà Ẩm, xôi Phú Thượng, phở Thìn, cà phê Giảng... đã “hiện diện” với vai trò phục vụ các phóng viên tại Trung tâm báo chí quốc tế. Mặc dù không phải là một sự kiện chính thức nhưng ẩm thực Hà Nội đã gây tiếng vang và để lại ấn tượng sâu sắc cho các phóng viên trong và ngoài nước. Đó là cơ hội quảng bá có một không hai của ẩm thực Hà Nội, dù không được “chính danh” là một sự kiện độc lập của riêng ẩm thực.
Sau thành công của các sự kiện như thế, Hà Nội sẽ tiếp tục mở ra các sân chơi mang tính quốc tế để ẩm thực Thủ đô có dịp giao lưu và nhận diện. Chính vì vậy, Lễ hội văn hóa ẩm thực Thủ đô Hà Nội trở lại trong năm nay hứa hẹn sẽ mang nhiều màu sắc mới mẻ hơn so với năm 2018.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần