Tạo sự cạnh tranh công bằng

Mai Vân thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh những lo ngại về mô hình kinh doanh phòng nghỉ, căn hộ theo hình thức Airbnb, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Vinh - chuyên gia về nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 Ông Vũ Quang Vinh - chuyên gia về nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) 
Ông đánh giá như thế nào về sự xuất hiện của mô hình kinh doanh Airbnb trong thị trường BĐS hiện nay?
- Airbnb là một sản phẩm được hình thành từ nền tảng của công nghệ số, với ưu điểm nhanh gọn, tiện lợi, chỉ cần dùng một chiếc smartphone là có thể tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm theo ý muốn. Về tính tích cực, Airbnb ra đời đã mang đến một sản phẩm dịch vụ đáp ứng với nhu cầu thực tế của người dân nên đã nhanh chóng được nhiều người tiếp nhận.
Bên cạnh đó, nó cũng góp phần làm tăng thêm các sản phẩm dịch vụ cho phân khúc lưu trú ngắn ngày.
Hiện nay, trên thế giới Airbnb là một trong những sản phẩm được xếp hàng đầu trong “nền kinh tế chia sẻ”. Khi xuất hiện tại Việt Nam, mô hình này cũng nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường bởi tính ưu việt của nó và cũng tạo ra thêm một sự cạnh tranh mới đối với các dịch vụ BĐS truyền thống.
Mô hình này tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh BĐS truyền thống?
- Airbnb có giá cho thuê phòng thấp hơn nhờ chi phí kết nối giữa người có nhu cầu cho thuê và có nhu cầu thuê tốt hơn. Airbnb cũng đã tạo ra một kênh đầu tư mới cho rất nhiều người với số vốn bỏ ra ban đầu không quá cao, giúp cho người có nhà đất nhàn rỗi có thể kiếm thêm thu nhập, đồng thời cho phép người đi thuê có được chi phí thấp hơn...
Vấn đề về giá cả dịch vụ chính là thách thức lớn nhất đối với việc kinh doanh phòng nghỉ truyền thống, đặc biệt là khách sạn. Trong khi hệ thống khách sạn phải tốn một khoản kinh phí tương đối lớn để chi trả cho các hoạt động vận hành như tiền thuê nhân công, quảng cáo... thì mô hình Airbnb có chi phí rất ít. Vì vậy, thời gian gần đây, lĩnh vực cung cấp dịch vụ lưu trú truyền thống đã phải nhường một phần thị phần của mình cho mô hình này.
Cần phải làm gì để chuẩn hóa các hoạt động của mô hình Airbnb, thưa ông?
- Mỗi một sản phẩm dịch vụ mới ra đời, ngoài việc cung cấp tốt hơn cho nhu cầu ngày càng cao của con người, nó cũng tự tạo ra sự cạnh tranh cho các sản phẩm cùng phân khúc. Nhưng theo tôi, sự cạnh tranh giữa Airbnb và các sản phẩm lưu trú truyền thống hiện nay đang diễn ra theo một chiều hướng chưa thực sự lành mạnh.
Airbnb chỉ là một sản phẩm công nghệ, thực hiện kết nối người cung cấp dịch vụ với người có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Trong khi đó, những người cung cấp dịch vụ đa phần lại là những cá nhân hay những hộ gia đình, gần như không phải kê khai hay chịu bất cứ khoản đóng góp thuế kinh doanh đối với Nhà nước.
Khi một sản phẩm với giá dịch vụ rẻ hơn các sản phẩm cùng phân khúc khác chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước được tung ra thị trường, tất nhiên sẽ thu hút được sự quan tâm của người dân. Vì vậy, theo tôi đã đến lúc Nhà nước phải có quy định để quản lý mô hình này, tạo sự cạnh tranh công bằng cho tất cả các sản phẩm dịch vụ khi tham gia vào thị trường.

Airbnb như là một xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0, vì thế không thể kìm hãm sự phát triển của mô hình này, nhưng cơ quan Nhà nước vẫn có thể siết chặt quản lý bằng các quy định pháp luật liên quan đến người cho thuê Airbnb, trong đó có việc đưa ra chính sách về thuế cho những đối tượng này.
Xin cảm ơn ông!