Tạo sức bật cho các vùng hoa

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, trên địa bàn TP đã và đang hình thành một số mô hình trồng hoa công nghệ cao (CNC) cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, để các mô hình này nhân rộng và phát triển bền vững, nông dân, HTX và DN rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước.

 Nông dân thu hoạch hoa cúc tại huyện Mê Linh.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay toàn TP có khoảng 2.700ha trồng hoa, trong đó có hơn 50 vùng trồng hoa có quy mô 20ha/vùng. Hoa là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, được nhiều địa phương lựa chọn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài cung ứng sản phẩm hoa cho thị trường, nhiều vườn hoa đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Không những vậy, những vùng trồng hoa ở Hà Nội còn tạo không gian xanh, sạch, đẹp cho vùng ngoại thành, góp phần xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái.

Hiệu quả kinh tế từ trồng hoa CNC là rõ rệt, song, hiện nay, Hà Nội chỉ có hơn 110ha trồng hoa bước đầu ứng dụng CNC ở một số khâu, quy mô nhỏ. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa mới đạt 68,3ha và có 0,1ha bước đầu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Giám đốc HTX Đan Hoài (huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích cho biết, việc ứng dụng CNC trong hệ thống nhà lưới, nhà kính… nhằm điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, hạn chế những rủi ro trong sản xuất. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho các mô hình trồng hoa CNC tương đối lớn, do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ về vốn giúp DN, HTX đầu tư nhân rộng mô hình.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, việc ứng dụng CNC vào trồng hoa hiện nay chủ yếu do các DN có quy mô lớn đầu tư. Còn ở các HTX, hộ kinh doanh nhỏ và vừa, việc này gần như chưa thực hiện được, nếu có triển khai thì đầu ra không ổn định hoặc sản phẩm chưa bảo đảm để cạnh tranh trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 diện tích canh tác hoa ứng dụng CNC đạt 300ha. Tỷ trọng giá trị sản xuất hoa ứng dụng CNC chiếm từ 25 - 30% tổng giá trị sản xuất hoa toàn TP. Để đạt được mục tiêu này, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Theo đó, TP sẽ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ như: Đào tạo nghề về sản xuất nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường phục vụ phát triển liên kết; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng hạ tầng… Với sự hỗ trợ tích cực này, không chỉ mô hình trồng hoa mà nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn TP sẽ tháo gỡ được khó khăn, từng bước nhân rộng và phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần