Tạo thuận lợi chuyển đổi văn phòng công chứng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017 do Bộ Tư pháp tổ chức trực tuyến với các địa phương chiều 10/7, lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi văn phòng công chứng (VPCC) 1 thành viên thành VPCC 2 thành viên trở lên trên địa bàn TP.

Kinh nghiệm từ Hà Nội
Theo Luật Công chứng 2014, VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, phải có từ 2 công chứng viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Trong khi đó, theo bà Hồ Xuân Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, tính đến ngày 1/1/2015, Luật Công chứng 2014 có hiệu lực thi hành, trên địa bàn Hà Nội có 3 VPCC hoạt động theo loại hình DN tư nhân (có 1 công chứng viên), đó là VPCC Cầu Giấy, Hồng Vân và VPCC Thủ đô. Trong năm 2016, Hà Nội đã thực hiện chuyển đổi được cả 3 VPCC này.

Lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm do Bộ Tư pháp tổ chức. Ảnh: Thái San

Để hoàn thành chuyển đổi từ VPCC có 1 công chứng viên thành VPCC có từ 2 công chứng viên, đó là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của UBND TP Hà Nội. Sở Tư pháp đã tham mưu trình UBND TP ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai Luật Công chứng 2014 trên địa bàn TP. Trên cơ sở thực hiện kế hoạch, Sở Tư pháp rà soát và chỉ đạo các VPCC chuẩn bị các điều kiện thực hiện việc chuyển đổi. Đồng thời, trình UBND TP công bố bộ thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp, UBND cấp huyện, xã; trong đó có thủ tục hành chính về chuyển đổi VPCC do 1 công chứng viên thành lập, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi thuận lợi. Ngoài ra, việc chuyển đổi VPCC 1 công chứng viên thành VPCC có từ 2 công chứng viên trở lên thuận lợi do trên địa bàn Hà Nội có điều kiện thuận lợi về hành nghề công chứng, vì vậy số lượng công chứng viên hành nghề tại Hà Nội rất lớn.
Có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh
Trong hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn Hà Nội, bà Hương cho hay, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh (phối hợp mở điểm tiếp nhận yêu cầu công chứng trái pháp luật) diễn ra ở các quận. Biện pháp xử lý đối với việc vi phạm về mở cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng còn chưa nghiêm khắc, chỉ dừng ở việc phạt tiền, chưa có hình thức xử phạt bổ sung nghiêm khắc hơn như: Tạm đình chỉ hành nghề đối với công chứng viên, thu hồi quyết định cho phép thành lập hoặc chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng vi phạm.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện chuyển đổi phòng công chứng còn vướng mắc, lúng túng về xác định giá nhận quyền chuyển đổi, phương án xử lý tài sản bằng tiền từ các quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ dự phòng ổn định thu nhập... để dùng chi trả trợ cấp thôi việc cho công chức, viên chức và người lao động và hỗ trợ kinh phí thuê trụ sở của phòng công chứng chuyển đổi do chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể vấn đề này. Việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của VPCC, trong đó thay đổi tên gọi của VPCC còn bất cập. Do đó, lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể phương thức tính giá chuyển đổi phòng công chứng thành VPCC để áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Theo thống kê, Hà Nội có 122 tổ chức hành nghề công chứng; trong đó, có 10 phòng công chứng và 112 VPCC. Có 459 công chứng viên tại các tổ chức hành nghề công chứng; trong đó 82 công chứng viên tại 10 phòng công chứng và 377 công chứng viên tại 112 VPCC.

Đến nay, cả nước có 772/836 VPCC (chiếm hơn 92%) đã thực hiện chuyển đổi và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Triển khai thực hiện Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, cả nước đã có 37 hội công chứng viên của các tỉnh, TP được thành lập, đi vào hoạt động. 6 tháng đầu năm, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 2.418.274 hợp đồng, giao dịch (tăng hơn 16,6% so với cùng kỳ năm 2016), đóng góp cho ngân sách Nhà nước hoặc nộp thuế hơn 158 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần