Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN: Nỗ lực tối đa để cung ứng đủ điện

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian tới, tình trạng cung cấp điện sẽ tiếp tục gặp khó do tình trạng khô hạn ở các hồ chứa nước thủy điện, cung ứng nhiên liệu phát điện kém... Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân khẳng định: EVN sẽ nỗ lực để đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư các công trình nguồn và lưới điện, siết chặt kỷ luật vận hành, xây dựng kế hoạch cung cấp điện hàng tháng, khai thác hiệu quả các nguồn điện.

Kết quả khả quan
Theo ông Trần Đình Nhân, năm 2019, việc đầu tư tiếp tục gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nhưng EVN và các đơn vị rất nỗ lực và thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến độ các dự án, đặc biệt dự án phục vụ cấp điện mùa khô, truyền tải công suất các nguồn điện.
EVN đã hoàn thành phát điện thương mại Nhiệt điện Vĩnh Tân IV Mở rộng (600MW) vượt tiến độ 3 tháng, đã hòa lưới phát điện Nhiệt điện Duyên Hải 3 Mở rộng (688MW). Các đơn vị đã hoàn thành 3 nhà máy điện mặt trời/140,15MWp, gồm: Vĩnh Tân 2 (42,65MWp), Đa Mi (47,5 MWp) và Miền Trung (50MWp). Khởi công 2 dự án điện mặt trời Phước Thái 1 (50MW) và Sê San 4 (49MW)…
Về đầu tư lưới điện, EVN đã khởi công 196 công trình và hoàn thành 192 công trình lưới điện 110 - 500kV như: Lưới điện đồng bộ trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Long Phú, Nhiệt điện Hải Dương, Sông Hậu 1, giải tỏa thủy điện khu vực Lai Châu và một số công trình giải tỏa năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận...
 Thủy điện Lai Châu. Ảnh: Hoàng Anh
Giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN năm 2019 ước đạt 100.480 tỷ đồng, bằng 95,8% kế hoạch. Giá trị giải ngân ước đạt 98.748 tỷ đồng, bằng 94,1% kế hoạch. Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Nhân, vì nhiều vướng mắc, nên tiến độ phát điện thương mại Nhiệt điện Duyên Hải 3 tiếp tục chậm tiến độ sang quý I/2020.
Các dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đa Nhim MR (do các công ty CP làm chủ đầu tư) cũng không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2019. Dự án nhiệt điện Quảng Trạch I chưa thể khởi công được trong năm 2019 do khó khăn vướng mắc về GPMB.
Các dự án Nhà máy thủy điện Ialy Mở rộng, Nhiệt điện Ô Môn IV không đáp ứng mục tiêu khởi công năm 2020 do công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài. Một số công trình lưới điện quan trọng gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (đường dây 220kV sau các trạm 500kV Phố Nối, Việt Trì, Lưu Xá)…
Tập trung nguồn lực
Xác định việc cung cấp điện thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó, ông Trần Đình Nhân cho biết, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) sẽ theo dõi, cập nhật các yếu tố về sản xuất điện và nhu cầu phụ tải, điều hành thị trường điện đúng quy định; vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy, đảm bảo hiệu quả phát điện gắn với giảm tổn thất điện năng, tận dụng tài nguyên nước, đáp ứng các yêu cầu cấp nước cho hạ du. Các đơn vị phát điện cần nâng cao độ tin cậy, khả năng phát điện các tổ máy đáp ứng yêu cầu huy động của A0; đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí, dầu) cho phát điện...
“Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc - Nam; hoàn thành đúng tiến độ các công trình lưới điện; chuẩn bị đủ thiết bị dự phòng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư thiết bị; chủ động phát hiện, ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy và giảm tổn thất điện năng” - ông Trần Đình Nhân nói.
Đồng thời, với các tổng công ty, công ty điện lực cần có kế hoạch cung cấp điện hàng tháng và phối hợp với chính quyền địa phương, các DN để điều hòa phụ tải hợp lý, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp bất lợi; áp dụng mọi giải pháp để giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cấp điện, hạn chế tối đa cắt điện khi sửa chữa, bảo dưỡng, thi công công trình điện.
Nhiều chỉ tiêu cụ thể
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng cho biết, năm 2020, Tập đoàn chọn Chủ đề năm “Tập trung hoàn thành toàn diện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020”. Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2020 của EVN là: Điện sản xuất và mua đạt 251,62 tỷ kWh tăng 8,9% so với năm 2019; điện thương phẩm: 227,99 tỷ kWh tăng 8,9% so với năm 2018; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn: 6,5%; Chỉ số tiếp cận điện năng: duy trì vị trí trong ASEAN 4…
 Công nhân EVN đang kiểm tra, sửa chữa đường dây điện. Ảnh: Khắc Kiên
“Năm 2020 và giai đoạn tới, EVN sẽ nỗ lực để đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư các công trình nguồn và lưới điện. EVN sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện quan trọng được Chính phủ giao...” - ông Trần Đình Nhân cho hay.
Với các dự án nguồn điện, EVN sẽ hoàn thành các dự án: Thủy điện Thượng Kon Tum và 4 dự án điện mặt trời (249MWp), gồm: Phước Thái 1, Sê San 4, Phước Thái 2, Phước Thái 3; khởi công 2 dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I, Thủy điện Hòa Bình Mở rộng.
Đặc biệt, EVN sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện quan trọng được Chính phủ giao; trong đó, hoàn thành chuẩn bị đầu tư, thu xếp vốn để khởi công trong năm 2021 các dự án Thủy điện Ialy Mở rộng, Nhiệt điện Ô Môn IV, Nhiệt điện Dung Quất I; hoàn thành quyết toán 15 công trình nguồn điện.
Với các dự án lưới điện, ông Trần Đình Nhân cho biết, EVN sẽ khởi công 218 công trình và hoàn thành 240 công trình lưới điện 110 - 500kV. Bên cạnh đó, EVN chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm, như: Đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 (hoàn thành tháng 6/2020); lưới điện đồng bộ Nhiệt điện BOT Hải Dương, Nghi Sơn 2, giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo và nguồn thủy điện Tây Bắc; lưới điện liên kết đấu nối nguồn điện từ Lào về Việt Nam; các công trình trọng điểm cấp điện cho miền Nam, TP Hà Nội và các phụ tải quan trọng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 54.880 MW, tăng 6.320 MW so với năm 2018. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới. Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2019 đạt 231,1 tỷ kWh, tăng 8,85% so với năm 2018; trong đó, điện sản xuất các nhà máy điện của Công ty mẹ EVN là 41,55 tỷ kWh. Điện thương phẩm năm 2019 đạt 209,42 tỷ kWh, tăng 8,87% so với năm 2018, trong đó điện thương phẩm nội địa ước đạt 207,7 tỷ kWh, tăng trưởng 8,65% (miền Bắc tăng 8,9%, miền Trung tăng 9,3%, miền Nam tăng 8,3%)...