Tập đoàn Hóa chất đã công bố Báo cáo tài chính giữa niên độ cho kỳ kế toán từ 1/1/2017 đến 30/6/2017. Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán, từ mức lỗ 203,5 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2016, trong 6 tháng đầu năm nay, Vinachem đã báo lãi sau thuế 47 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty mẹ vẫn lỗ 192,7 tỷ đồng do vay nợ của công ty mẹ quá lớn và đầu tư vào các công ty con thua lỗ nhiều. Tổng nợ của tập đoàn đến 30/6/2017 là 38.137 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay là 29.165 tỷ đồng (11.404 tỷ đồng trong số này là nợ ngắn hạn, còn lại là dài hạn).
Các khoản nợ ngắn hạn của Vinachem chủ yếu nằm ở số dự án, doanh nghiệp thua lỗ kém hiệu quả của ngành Công Thương mà Chính phủ đang tích cực chỉ đạo xử lý. Cụ thể, nợ tại Công ty cổ phần phân đạm và hoá chất Hà Bắc là 558 tỷ đồng; Đạm Ninh Bình nợ 1.777 tỷ; DAP Vinachem (Hải Phòng) vay gần 127 tỷ đồng và DAP số 2 Vinachem (Lào Cai) mắc nợ 484 tỷ đồng...
Số các công ty thua lỗ nghìn tỷ trên cũng đứng đầu danh sách các khoản vay dài hạn của tập đoàn, như Đạm Hà Bắc có khoản nợ lên tới 7.480 tỷ đồng; DAP số 2 Vinachem là 2.853 tỷ...
Trong 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay theo báo cáo hợp nhất của tập đoàn là 1.057 tỷ đồng. Vấn đề không phải là tập đoàn nợ bao nhiêu mà khả năng trả nợ của doanh nghiệp ra sao mới quan trọng.
Với vốn chủ sở hữu là 19.208 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Vinachem đến hết 30/6 là 1,99 lần, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ lên tới 1,52 lần. Theo quy định, tỷ lệ này vẫn nằm trong giới hạn an toàn, đảm bảo trả nợ đến hạn.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Vinachem được công bố trong lúc tập đoàn này đang gặp những lùm xùm liên quan tới kỷ luật cán bộ cấp cao.
Ban Bbí thư vừa có quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Vinachem do những "sai phạm trong quá trình quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của tập đoàn, gây hậu quả nghiêm trọng". Theo đó, ông Dũng bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
Theo cơ quan kiểm tra Trung ương, ông Dũng cũng đã thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện 4 dự án trọng điểm: Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc; Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 tại Lào Cai; Dự án sản xuất phân bón DAP Hải Phòng.