Tập đoàn Hoàn Cầu sau khi Chủ tịch HĐQT Trần Thị Hường qua đời: Công ty gia tộc trước nguy cơ rạn nứt

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn Hoàn Cầu do bà Trần Thị Hường dày công xây dựng trở thành "người khổng lồ" với 30 công ty con có mặt ở khắp cả nước và nước ngoài, kinh doanh ở các lĩnh vực ngân hàng, địa ốc, truyền thông, giáo dục... Khi bà Hường mất, tập đoàn này đứng trước nguy cơ rạn nứt, không giữ được vị thế vì nội bộ gia đình lục đục.

Theo đơn tố cáo của cụ Nguyễn Chấn (SN 1923), tổng số tài sản của vợ chồng ông cùng các con và người thân bị con trai là ông Nguyễn Quốc Toàn (SN 1968, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á) chiếm giữ khoảng 30.000 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán cử người mạo danh chủ cổ phần?
Theo đơn tố cáo của cụ Nguyễn Chấn, chồng bà Trần Thị Hường (tức bà Tư Hường, đã mất vào tháng 5/2017), đưa ra tại buổi họp báo vào ngày 15/3 tại TP Hồ Chí Minh, có nội dung: Vợ chồng cụ Chấn sáng lập Ngân hàng TMCP Nam Á (NamAbank) và Tập đoàn Hoàn Cầu. Khoảng giữa tháng 6/2016, khi cả gia đình tập trung chăm sóc, chữa trị cho bà Tư Hường, nên có giao cho con là ông Nguyễn Quốc Toàn quản lý NamAbank và Tập đoàn Hoàn Cầu cùng các khoản đầu tư (thông qua các quyền nắm giữ cổ phiếu). Đồng thời, cụ Chấn cũng có tạm giao cho ông Toàn giữ chìa khóa tủ két sắt tại nhà 141 Võ Văn Tần (phường 6, quận 3), ông Toàn chỉ được mở két sắt khi có sự đồng ý của cụ Chấn.
 Ông Nguyễn Chấn tại buổi gặp gỡ báo chí.
“Để tập trung cho quyền dự họp và quyền biểu quyết tại Đại hội cổ đông cũng như các cuộc họp bất thường trong ngân hàng nên các con cháu, rể, dâu cùng người thân thường gửi cổ phiếu (kèm theo hồ sơ có chữ ký sẵn, một số trường hợp còn có lăn tay trên mẫu các loại giấy ủy quyền, giấy đề nghị chuyển nhượng cổ phiếu) cho vợ tôi cất giữ trong két sắt nhà 141 Võ Văn Tần. Nhưng từ giữa năm 2016, toàn bộ cổ phiếu trên đã bị con trai Nguyễn Quốc Toàn lấy đi sang tên người khác mà bản thân gia đình không quen biết” - đơn cụ Nguyễn Chấn nêu.
Đơn tố cáo của cụ Chấn còn nêu: “Do lãnh đạo NamAbank ngụy tạo giao dịch chuyển nhượng bằng cách tự điền bổ sung thông tin người nhận chuyển nhượng là các cá nhân, công ty của họ, tự họ ký xác nhận, đóng dấu ngân hàng vào chứng từ hồ sơ giao dịch chuyển nhượng cổ phần (CP). Tiếp đó, Công ty CP Chứng khoán Bảo Minh (cung cấp dịch vụ quản lý sổ cổ đông do NamAbank ủy quyền) chỉ đạo nhân viên của mình mạo danh người chuyển nhượng CP để nộp phí chuyển nhượng và kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tiến hành thủ tục thay đổi thông tin sở hữu cổ phiếu trong hệ thống dữ liệu cổ đông. Các cá nhân, tổ chức đứng tên nhận chuyển nhượng trái pháp luật số cổ phiếu sau đó tiếp tục chuyển nhượng lòng vòng… nhằm xóa dấu vết thông tin ban đầu của chủ sở hữu cổ phiếu. Việc làm sai trái này khiến tài sản (cổ phiếu do ngân hàng phát hành) của vợ chồng tôi và người thân mất trắng”.
Đột nhập vào tòa nhà có bảo vệ để chiếm hồ sơ giá trị
Cụ thể, khoảng 10 giờ ngày 25/7/2018, nhiều người đột nhập bất hợp pháp vào nhà 141 Võ Văn Tần, mở tủ két sắt lấy đi nhiều giấy tờ có giá của cụ Chấn và người thân, gồm: Cổ phiếu của NamAbank, Eximbank phát hành; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà…; Các văn bản cam kết, giấy cam đoan, xác nhận của những người đứng tên giùm CP, tài sản; Các giấy ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng CP, tài sản, vốn góp công ty… Ngay sau khi sự việc xảy ra, cụ Chấn đã trình báo Công an phường 6, quận 3, đồng thời gửi đơn tố cáo đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật từ TP đến T.Ư nhưng đến nay chưa có kết quả cuối cùng.
Ngoài việc bị lấy đi các giấy tờ có giá trị nêu trên, cụ Chấn còn cho biết những phần vốn góp, CP trong Tập đoàn Hoàn Cầu (TP Hồ Chí Minh và TP Nha Trang, Khánh Hòa), các khoản đầu tư vào các DN do cụ nhờ người thân đứng tên, đều bị sang tên cho người khác để chiếm đoạt và phần lớn là do những người làm công cũ tiếp tay với ông Toàn chiếm giữ.
Đối với nội dung cụ Nguyễn Chấn cho rằng các hồ sơ chuyển nhượng CP đã được ký từ trước (ký khống) sau đó được NamAbank điền tên người nhận chuyển nhượng; tiếp đó Công ty CP Chứng khoán Bảo Minh sai nhân viên mạo danh người chuyển nhượng CP để nộp phí chuyển nhượng và kê khai nộp thuế TNCN…, như vậy những vụ chuyển nhượng CP này có hợp lệ không?
Trả lời câu hỏi trên, một chuyên gia tài chính ngân hàng (xin không nêu tên), khẳng định: “Trong các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng CP, cổ phiếu đi liền với chuyển quyền sở hữu thì phải có chuyển tiền thanh toán. Ở đây toàn giá trị giao dịch lớn. Vì vậy có thể kiểm tra phần chuyển tiền thanh toán cho người bán để xem đó có phải giao dịch giả tạo, bất hợp pháp hay không. Thông thường nếu là giao dịch giả mạo thì bỏ qua phần thanh toán. Chẳng hạn giao dịch bất động sản phải ra công chứng, 2 bên mua bán phải ký trước mặt công chứng viên (CCV). Nếu ủy quyền cũng phải ủy quyền có công chứng, tức là khi làm ủy quyền cũng phải ký trước mặt CCV hoặc ra hợp pháp hóa lãnh sự nếu ở nước ngoài. Vì vậy không thể dùng giấy tờ đã ký khống được, trừ phi có sự tiếp tay của công chứng.
Đối với giao dịch CP, cổ phiếu cũng thế, phải có mặt giao dịch hoặc ủy quyền có công chứng hoặc ủy quyền ngay tại Công ty chứng khoán. Trong trường hợp Công ty chứng khoán bỏ qua thủ tục mà chấp nhận ủy quyền không có mặt người ủy quyền thì ủy quyền này vô hiệu như trường hợp đã xảy ra tại Eximbank”.
Cũng theo chuyên gia tài chính ngân hàng nêu trên, nếu bên ủy quyền chứng minh tại thời điểm giao dịch họ không có mặt, chẳng hạn không ở Việt Nam thì đó là giao dịch giả mạo. Ngoài ra (ngoại trừ giao dịch trên sàn chứng khoán), các giao dịch mua bán CP, cổ phiếu chắc chắn phải gặp mặt để thương lượng giá, gặp ở đâu, ký ra sao, chuyển khoản thế nào, thuế ai chịu… không có những điều kiện này tức là giao dịch có vấn đề.
Chuyển nhượng CP không có mặt chủ sở hữu sẽ vô hiệu
Vị chuyên gia tài chính ngân hàng giải thích thêm: “Ví dụ anh A bán CP cho anh B. Nếu A không ủy quyền cho bất cứ ai, A phải có mặt tại Công ty chứng khoán. Kể cả các CP đó đã được ký khống, nếu không có mặt người chủ CP, không thể nào bán cho người khác. Vì thế, việc chuyển nhượng CP của A sang B khi không có ủy quyền của A hoặc không có mặt A, việc chuyển nhượng trở nên vô hiệu. Bởi ngay cả tài khoản ngân hàng cũng thế, muốn rút tiền thì chủ tài khoản phải tới ngân hàng để ký trước mặt kiểm soát viên. Để làm rõ khuất tất trong việc chuyển nhượng CP trong vụ việc này, Cơ quan điều tra có quyền yêu cầu Công ty CP Chứng khoán Bảo Minh cung cấp hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng”.
Luật sư Trần Thị Ánh thuộc Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận định: “Chuyển nhượng CP phải theo nguyên tắc chung của giao dịch dân sự, phải đúng ý chí của các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, và quy chế chuyển nhượng CP của NamAbank. Vì thế khi thực hiện việc chuyển nhượng CP, các bên tham gia giao dịch phải có mặt tại ngân hàng.
Sau khi đại diện ngân hàng đối chiếu các giấy tờ tùy thân của chủ sở hữu CP chuyển nhượng với thông tin sở hữu CP đúng, lúc đó giao dịch mới được thực hiện. Việc chủ sở hữu CP vắng mặt nhưng việc chuyển nhượng vẫn diễn ra là không hợp lệ. Còn việc cụ Nguyễn Chấn cho rằng phía Công ty CP Chứng khoán Bảo Minh cử nhân viên mạo danh người chuyển nhượng CP đi nộp phí chuyển nhượng và kê khai nộp thuế TNCN..., rõ ràng đã vi phạm pháp luật”.

"Tại điều 15 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức), quy định: Người đại diện theo ủy quyền phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này; Trường hợp điều lệ công ty không có quy định khác thì việc cử người đại diện theo ủy quyền thực hiện theo quy định sau đây: a) Tổ chức là thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 3 người đại diện; b) Tổ chức là cổ đông công ty CP có sở hữu ít nhất 10% tổng số CP phổ thông có thể ủy quyền tối đa 3 người đại diện…" - Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần