Tập sự hành nghề luật sư: Chấm dứt hiện tượng “đánh trống, ghi tên”

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tới đây, các quy định mới hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư được siết chặt, sẽ chấm dứt được tình trạng “đánh trống ghi tên” trong tập sự hành nghề luật sư.

Nghề luật sư ngày càng có sức hút (Ảnh chụp tại Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, Hà Nội). Ảnh: Hồng Thái
Nhiều vướng mắc cần xử lý
Qua 6 năm triển khai thực hiện Thông tư 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013, các quy định của Thông tư đã đi vào thực tiễn và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình tập sự hành nghề luật sư cũng phát sinh một số trường hợp vướng mắc cần xử lý. Do Thông tư số 19/2013/TT-BTP còn chưa có quy định cụ thể, chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư liên quan đến tập sự hành nghề luật sư và kiểm tra kết quả tập sự. Đồng thời, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động của vấn đề này chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Điểm hạn chế lớn nhất là hiện nay, người tập sự hành nghề luật sư không được trực tiếp tham gia các hoạt động tố tụng với tư cách người tập sự hành nghề luật sư, do đó, dù tham gia tập sự hành nghề luật sư, nhưng họ không được cọ xát trực tiếp, hạn chế rất lớn đến việc tập sự, cho hoạt động rèn luyện kiến thức chuyên môn và thực hành các kỹ năng nghề nghiệp.
Luật sư Nguyễn Hoài Nam - Văn phòng Luật sư Hoàng Huy
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hoài Nam (Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, Hà Nội) thừa nhận, hiện nay, nhiều trường hợp người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự ở một nơi nhưng làm việc ở một nơi khác dẫn đến việc tập sự chỉ mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Phần lớn người tập sự hành nghề luật sư chưa nhận định đúng trọng tâm, vai trò của việc tập sự hành nghề luật sư mà chỉ coi đó như là một thủ tục nhằm đáp ứng điều kiện để tham gia kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Ngoài ra, có những tổ chức hành nghề luật sư chỉ lấy danh nghĩa để thực hiện các hoạt động khác
Xóa tên nếu không đạt yêu cầu
Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý thời gian qua, Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 19/2013/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp xây dựng, đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Theo đó, những tổ chức hành nghề luật sư không chứng minh được có hoạt động trên thực tế, không có doanh thu thì không được nhận tập sự để tránh tình trạng “đánh trống ghi tên”, không đảm bảo chất lượng tập sự hành nghề luật sư… Đối với các trường hợp không đạt yêu cầu tập sự theo đánh giá của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự hoặc trong trường hợp có lý do chính đáng (sức khỏe yếu, đi học ở nước ngoài…) dự thảo Thông tư quy định họ được gia hạn tập sự hành nghề luật sư tối đa 2 lần, mỗi lần 6 tháng.
Trong trường hợp gia hạn tập sự lần thứ 2 mà người tập sự vẫn không đạt yêu cầu, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự ra quyết định xóa tên người đó khỏi danh sách người tập sự. Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp và sở tư pháp theo hướng cụ thể, chi tiết hơn nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, giám sát hoạt động tập sự hành nghề luật sư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần