Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Tùng Nguyễn - Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - cSau những thiệt hại rất lớn do mưa lũ, nhiều tỉnh Bắc Bộ và miền Trung đang tiếp tục chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) mới. Công tác ứng phó đang được các bộ ngành, địa phương rốt ráo triển khai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Cấm biển, dự kiến sơ tán hơn 153.000 dân
Sau khi đi vào đất liền, bão số 7 đã suy yếu thành ATNĐ. Tuy nhiên, hoàn lưu bão dự kiến sẽ tiếp tục gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Thủ đô Hà Nội) và Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Cùng với mưa lớn từ hoàn lưu bão số 7, biển Đông tiếp tục hình thành ATNĐ mới. Trước nguy cơ mưa lũ lớn từ tổ hợp thiên tai, đã có 7 tỉnh khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng tổ chức cấm biển gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Đặc biệt, nhiều địa phương đã lên phương án sẵn sàng di dời hàng trăm ngàn cư dân hiện sinh sống tại vùng nguy hiểm.
 Ngập lụt tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tính đến cuối ngày 14/10, Hải Phòng đã di dời 90 người ở khu vực nguy hiểm đảo Cát Hải đến nơi an toàn. 5 tỉnh khác cũng đã lên kế hoạch tổ chức di dân khu vực ven biển, vùng trùng thấp. Cụ thể, Thái Bình 3.019 người; Nam Định 1.100 người; Ninh Bình 412 người; Thanh Hóa 46.760 người; Nghệ An 102.112 người. Tổng số dân dự kiến sơ tán là hơn 153.000 người.

Cùng với bảo đảm an toàn trên đất liền, công tác giám sát tàu thuyền trên biển cũng được thực hiện nghiêm ngặt. Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tuyến biển, lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 31.096 phương tiện với 115.607 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm của ATNĐ.

Dồn sức cứu các nạn nhân ở Rào Trăng 3

Do ảnh hưởng của mưa lũ, tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) xảy ra sạt lở nghiêm trọng, khối lượng đất đá lớn đã sụt trượt từ núi cao xuống vùi lấp lán công nhân ở cùng nhà điều hành. Nhiều bức tường bị xô đẩy đi xa hàng trăm mét. Trong ngày 14/10, tỉnh Thừa Thiên Huế huy động tối đa mọi lực lượng, phương tiện để cứu nạn, cứu hộ hàng chục nạn nhân vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3. Quân chủng Phòng không - Không quân cũng đã triển khai máy bay trực thăng đến hiện trường vụ sạt lở rất nghiêm trọng này. Mọi phương án cứu hộ, cứu nạn những nạn nhân trong vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) đã được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế họp bàn để triển khai suốt từ chiều 13/10. Từ sáng sớm 14/10, tất cả mọi lực lượng triển khai khẩn trương phương án tiếp cận hiện trường vụ sạt lở để tìm kiếm, cứu những nạn nhân.

Hướng cứu hộ tiếp cận từ 3 mũi: Đường không (máy bay trực thăng), đường thủy và đường bộ. Theo đó, hướng đường thủy do lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai. Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đầu đoàn và Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn – Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an đã vượt đường rừng, di chuyển bằng ca nô, thuyền từ lòng hồ thủy điện Hương Điền (tại xã Hương Bình, huyện Phong Điền) để vận chuyển hàng hóa tiếp viện cho những công nhân đang tập trung ở Thủy điện Rào Trăng 4.
 San đường để tiếp cận điểm sạt lở. Ảnh: Quang Hải
Thời tiết ngày 14/10 ở Phong Điền nắng ráo cả ngày nên phần nào thuận tiện cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Khoảng 14 giờ, đoàn cứu hộ đường thủy tiếp cận được nhà máy thủy điện Rào Trăng 4. Tại đây đoàn đã gặp được 19 người, gồm 2 chuyên gia người Ấn Độ và 17 người Việt Nam (trong đó có một phụ nữ, quê tỉnh Quảng Trị), không ai bị thương nhưng trong tình trạng kiệt sức vì thiếu lương thực. Sau khi tiếp tế thức ăn, nước uống, 19 người nhanh chóng được đưa lên bờ và chuyển về bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.

Trưa cùng ngày, một nhóm lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được vị trí khu vực nhà kiểm lâm tại Tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm sông Bồ - nơi có 13 người trong đoàn công tác bị vùi lấp, mất tích (gồm công nhân nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và 13 người của đoàn cứu hộ, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4). Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể đầu tiên trong số những người mất tích. Danh tính nạn nhân theo xác minh ban đầu là anh Nghĩa (quê Thanh Hóa) – nhân viên lái máy cẩu tháp của nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.

Công tác tìm kiếm 16 người mất tích còn lại vẫn đang được chính quyền, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Quân khu 4, Tỉnh đội, Bộ đội Biên phòng… tích cực tìm kiếm. Tại những vị trí người mất tích, lực lượng chức năng sử dụng chó nghiệp vụ để đánh hơi. Được biết, nhiều nạn nhân bị vùi lấp trong đống đất đá rất lớn hoặc bị đẩy ra xa xuống vực, xuống hồ nước…

Trong ngày 14/10, Quân chủng Phòng không - Không quân cũng đã triển khai máy bay trực thăng Mi-171E khởi hành từ sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) hướng đến khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để thả lương thực, thuốc men, tiếp tế cho người gặp nạn.

Giúp người dân sớm ổn định cuộc sống

Đợt mưa lũ lịch sử diễn ra tại các tỉnh miền Trung đã và đang gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản. Thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho thấy, số người chết đã lên tới con số 36 người. Trong đó, chưa đề cập đến các nạn nhân do sạt lở thủy điện Rào Trăng 3. Ngoài ra, vẫn còn 12 người đang bị mất tích.

Mưa lũ đã khiến 585 hộ dân bị mất nhà cửa. 135.731 ngôi nhà hiện bị ngập khiến người dân phải đi sơ tán, chưa thể trở về nhà ổn định lại cuộc sống. Tại các tỉnh khu vục miền Trung, 212 xã, phường vẫn còn đang bị ngập. Hiện, mực nước đang rút chậm, độ ngập sâu giảm dần. Người dân các địa phương nơi bão lũ đi qua đang tập trung dọn dẹp tàn tích sau mưa lớn.

Trước diễn biến thiên tai phức tạp, những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có công điện chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cũng đã kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Trạm kiểm lâm số 7 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hiện, các địa phương đang tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, tâp trung vào sự cố tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương. Cùng với đó là hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước sạch cho người dân bị thiệt hại. Khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất…

Để phục vụ công tác khắc phục hậu quả và tiếp tục ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo, 4 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, đã có báo cáo đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp các mặt hàng thiết yếu. Cụ thể là 6.500 tấn gạo, 5,5 tấn lương khô, 20.000 thùng mì tôm, 300 cơ số thuốc, 3 tấn hóa chất PAC, 119 xuồng các loại, 81 máy phát điện, 257 nhà bạt, 17.420 phao, 3 xe lội nước GAZ.