Tập trung thanh tra các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã ký ban hành Văn bản số 60/BTNMT-TTr gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên quan lĩnh vực TN&MT.

Cụ thể, để công tác thanh tra, kiểm tra về TN&MT tạo bước đột phá, trở thành công cụ sắc bén, hữu hiệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2017 tập trung bám sát định hướng thanh tra của Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch thanh tra năm 2017 của Bộ TN&MT để tổ chức thực hiện, tránh chồng chéo giữa kế hoạch thanh tra của Bộ và kế hoạch thanh tra của địa phương; trong quá trình thanh tra, kiểm tra lưu ý áp dụng những văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực TN&MT mới có hiệu lực thi hành.

Năm 2017, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung một số lĩnh vực của ngành như đất đai, môi trường, địa chất khoáng sản và tài nguyên nước; đồng thời tăng cường cơ chế phối hợp giữa các địa phương với Bộ trong xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách và pháp luật về công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trao đổi và chia sẻ thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn ở địa phương; tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra do Bộ TN&MT, lực lượng Công an nhân dân chủ trì; phối hợp với lực lượng Công an Nhân dân trong hoạt động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức trên địa bàn theo quy định của pháp luật; bố trí đủ nguồn lực về con người, kinh phí, trang thiết bị theo quy định cho công tác thanh tra, kiểm tra về TN&MT.

Bộ TN&MT sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luật và giải quyết, tháo gỡ khó khăn và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ở địa phương.

Một số lĩnh vực tập trung thanh tra, kiểm tra năm 2017

Lĩnh vực đất đai, thực hiện các nội dung theo “Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất giai đoạn đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể: Thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của các cấp, trọng tâm là các thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký lần đầu và đăng ký biến động đất đai, cấp Giấy chứng nhận đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục từ ngày 1/7/2014 đến thời điểm thanh tra. Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của UBND các cấp.

Lĩnh vực môi trường, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (dệt nhuộm, hóa chất, luyện kim, giấy, bột giấy, tinh bột sắn, cao su, mía đường, xi mạ, thuộc da, nhiệt điện...); các cơ sở có nguồn thải lớn từ 200m3/ngày đêm trở lên (trừ các đối tượng đã được Bộ TN&MT thanh tra trong năm 2016). Trong đó Bộ TN&MT sẽ tiến hành thanh tra đối với các đối tượng do Bộ thẩm định và phê duyệt ĐTM hoặc Đề án bảo vệ môi trường chi tiết.

Lĩnh vực địa chất khoáng sản, thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong công tác quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng đá làm vật liệu xây dựng thông thường.

Lĩnh vực tài nguyên nước, thanh tra công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn nước của một số tổ chức, cá nhân. Thanh tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông và một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi (không thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần