Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất 2021 vào 20 giờ 30 tối nay

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối nay (27/3), sự kiện Giờ Trái đất 2021 với thông điệp “Lên tiếng vì thiên nhiên" sẽ chính thức diễn ra tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, với hoạt động tắt đèn kéo dài từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30.

Đây là một trong những chiến dịch lớn nhất toàn cầu về môi trường, quy tụ hàng trăm triệu cá nhân, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới cùng nâng cao nhận thức và hành động để giải quyết vấn đề cấp bách của toàn cầu, như khủng hoảng khí hậu, mất đa dạng sinh học và thiếu hụt các nguồn tài nguyên; trong đó, có tài nguyên năng lượng, diễn ra với tốc độ chưa từng có.
Chủ đề của chiến dịch Giờ Trái đất năm nay là ''Lên tiếng vì thiên nhiên'' 
Hơn 10 năm qua, Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì, đồng hành cùng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức các chuỗi sự kiện Giờ Trái đất, và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Giờ Trái đất 2021 toàn cầu kêu gọi mọi người hưởng ứng thông điệp “Lên tiếng vì thiên nhiên", tập trung vào hai chủ đề: “Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính” và “Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên”.
Đặc biệt, một tọa đàm với chủ đề về Giờ Trái đất, dự kiến sẽ được phát sóng trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam lúc 20 giờ ngày 27/3. Tại tọa đàm này, các nhà hoạch định chính sách trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các cá nhân sẽ chia sẻ những thách thức về môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt, kế hoạch hành động quốc gia và những kinh nghiệm quốc tế để giải quyết các vấn đề đó. Những mô hình thành công, những câu chuyện đổi thay được chia sẻ trong tọa đàm cũng hy vọng có thể truyền cảm hứng hành động tới công chúng.
Ngay từ tháng 2/2021, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đề nghị tổ chức các hoạt động truyền thông Giờ Trái đất theo hướng đổi mới, thiết thực, tập trung vào các sự kiện trực tuyến trên tinh thần đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hưởng ứng lời vận động của Bộ Công Thương, các sở, ban ngành, địa phương và cơ quan trên cả nước đã triển khai một loạt sự kiện, hoạt động tuyên truyền hiệu quả tại địa bàn. Bộ công cụ nhận diện Giờ Trái đất 2021, đặc biệt là bộ nhận diện về chủ đề tiết kiệm năng lượng - giảm phát thải khí nhà kính lồng ghép biểu trưng tiết kiệm điện được nhận xét mang tính sáng tạo, độc đáo và được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng mạng xã hội thích thú đón nhận và chia sẻ.
 Giờ Trái đất đã được cộng đồng xã hội thích thú đón nhận và chia sẻ.
Nói về Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, năm nay là năm thứ 13 Việt Nam thực hiện chiến dịch Giờ Trái đất. Lần đầu tiên thực hiện chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam chỉ có 6 tỉnh, thành tham gia nhưng đến nay, sau nhiều năm thực hiện, chương trình đã thu hút được 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Với chủ đề của chiến dịch Giờ Trái đất năm nay là “Lên tiếng vì thiên nhiên”, Bộ Công Thương cũng đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các doanh nghiệp, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổ chức xã hội khác tham gia chương trình này để huy động toàn dân tăng cường ý thức bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, qua các năm thực hiện, chương trình ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp, lực lượng các bạn trẻ trong xã hội tham gia.
“Đây thực sự là một tín hiệu tốt để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp cho việc chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay.
4 cách để sống xanh mỗi ngày
TỪ CHỐI: Học cách từ chối nói không với nhựa dùng một lần không cần thiết như ống hút nhựa, thìa nhựa... bằng cách mang đồ cá nhân bên mình mỗi khi ra ngoài. Vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa an toàn sức khỏe lại vừa bảo vệ môi trường;
TÁI SỬ DỤNG: Đừng vội vứt bỏ những đồ nhựa còn sử dụng được, như chai hộp nhựa đã qua sử dụng. Chúng ta có thể rửa thật sạch, để khô, chúng sẽ rất hữu ích cho mỗi lần đi chợ hay mua sắm sau đó. Ngoài ra những đồ nhựa này có thể dễ dàng được tái chế để trở thành những đồ vật trang trí hoặc chậu cây nhỏ trong nhà.
TIẾT GIẢM: Giảm mua sắm và sử dụng các sản phẩm, đồ dùng không cần thiết để hạn chế lượng rác và bao bì thải ra môi trường sau khi sử dụng. Hãy cân nhắc kỹ trước khi mua một món đồ mới.
TÁI CHẾ: Rác thải nhựa nếu được thu gom, phân loại và tái chế hợp lý thì sẽ trở thành một nguồn tài nguyên có giá trị, không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp cho môi trường được bảo vệ, không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần