Taxi truyền thống thất thế trước vòng xoáy công nghệ: Cầu người chi bằng cầu mình

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã thêm một lần tổ chức hội thảo tìm biện pháp “đối phó” với taxi Uber, Grab.

Tại hội thảo, hàng loạt biện pháp đã được đưa ra như khống chế số lượng, tăng mức thuế giá trị gia tăng, thậm chí là “cấm cửa” Uber, Grab hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, sẽ không ai có thể cứu được taxi truyền thống, trừ bản thân họ.

Thua trên sân nhà

Ông Tạ Long Hỷ – Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho biết, trong khoảng 2 năm trở lại đây, sự phát triển nhanh chóng của một loại hình vận tải giống xe taxi mang tên Grab và Uber đã làm dậy sóng thị trường vận tải trên cả nước. Từ đó đã tạo ra cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các DN có yếu tố nước ngoài và các đơn vị vận tải trong nước. Cụ thể, ông Tạ Long Hỷ cho biết, hiện nay, số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu tại TP Hồ Chí Minh là dưới 20.000 xe. Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, số lượng xe taxi vẫn giữ nguyên khoảng 11.000 xe. Chính sự áp đảo về số lượng này đã và đang thu hẹp thị phần của taxi truyền thống một cách nhanh chóng, đẩy taxi truyền thống vào thế thua ngay trên sân nhà, do giảm lượng khách, giảm lái xe, giảm doanh thu.

Taxi ABC đón khách tại Khu đô thị Royal City, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng

Cũng theo ông Tạ Long Hỷ, bên cạnh sự lép vế về số lượng, các hãng taxi truyền thống cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về chính sách thuế so với các xe taxi phi truyền thống. Cụ thể, hiện các hãng taxi truyền thống đang phải chịu nhiều loại thuế, trong đó có 2 loại thuế khá cao là thuế giá trị gia tăng 10%, thuế thu nhập DN là 20%. Trong khi đó, đối với Uber, Bộ Tài chính chỉ áp 3% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng. Do đó, để đảm bảo tính công bằng, các cơ quan chức năng nên áp dụng thống nhất chính sách thuế cho taxi truyền thống và phi truyền thống.

Cũng liên quan đến vấn đề thuế giá trị gia tăng của xe Uber, ông Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, Uber hay Grab cũng cần được quản lý như taxi truyền thống, tức chịu 10% trên tổng doanh thu chuyến đi, và chịu 20% thuế thu nhập DN như các hãng taxi truyền thống đang áp dụng. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, các cơ quan chức năng nên xem xét chấm dứt việc hoạt động của loại hình vận tải này ở Việt Nam, như một số quốc gia đã làm.

Hãy tự cứu mình

Giải đáp những thắc mắc về mức đóng thuế của Uber, Grab so với taxi truyền thống, bà Cao Thị Lan – Phó trưởng Phòng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, nếu chỉ nhìn mức thuế 3% hay 10% để nói 3% nhỏ hơn rất nhiều 10% là không đúng, vì DN nộp thuế 10% còn được khấu trừ thuế VAT từ đầu vào như chi phí nhà xưởng, tài sản cố định mua vào, giảm trừ thu nhập cá nhân. Còn đối với Uber – là DN nước ngoài, DN nộp thuế theo ấn định, thì chịu mức thuế giá trị gia tăng là 3%, thuế DN là 2%, thuế thu nhập cá nhân là 1,5%. Trước những đề xuất của các DN taxi truyền thống là áp mức thuế 100% doanh thu đối với Uber bà Lan cho rằng, đây là đề xuất không có cơ sở. Và nếu thực hiện như vậy sẽ xảy ra tình trạng trùng thuế, vi phạm rất nhiều các quy tắc, cam kết của ngành thuế.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, về vấn đề thuế Hiệp hội sẽ trực tiếp làm việc với các đơn vị của Bộ Tài Chính để xem việc tính thuế trên đã công bằng chưa. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định với Tổng Cục thuế là chúng ta đang thất thu thuế rất lớn với Uber và Grab.

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn – cho rằng, không thể phủ nhận việc thu thuế đối với Uber và Grab hiện đang gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, để xảy ra tình trạng các hãng taxi truyền thống thất thế với Uber, Grab có phần trách nhiệm không nhỏ của chính các hãng taxi truyền thống. Cụ thể, theo ông Tuấn, hiện nay, cứ 10 người Việt Nam thì có 8 người sử dụng điện thoại thông minh, và trung bình một người mỗi ngày sử dụng internet 4 giờ. Bên cạnh đó, khi cài đặt phần mềm gọi xe Uber hay Grab, khách hàng có quyền được đánh giá chất lượng lái xe bằng cách cho điểm ngay trên hệ thống. Và những người đi sau có quyền được lựa chọn lái xe căn cứ vào số điểm mà các khách hành trước đã đi và trải nghiệm, điều mà các hãng taxi truyền thống chưa làm được. Do đó, bên cạnh việc chờ đợi những thay đổi về chính sách, các hãng taxi truyền thống cũng phải thay đổi, đặc biệt là cung cách phục vụ của đội ngũ lái xe… để tự cứu mình.

Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên nhân chính khiến taxi truyền thống thua ngay trên sân nhà trước Uber chính là những lỗ hổng trong việc áp chế tiêu chuẩn của taxi. Theo ông Long, để một chiếc xe taxi đủ điều kiện hoạt động phải đáp ứng đủ 13 loại yêu cầu như; phù hiệu, lô gô, bảng giá cước, máy in hóa đơn… và phải chịu sự giám sát của hàng loạt các cơ quan có liên quan. Trong khi đó, những chiếc xe taxi phi truyền thống lại đứng ngoài các quy định trên. “Điều cần phải làm ngay là phải xác định rõ loại hình kinh doanh của taxi phi truyền thống trong việc sử đổi bổ sung Nghị định 86/2016/NĐ – CP của Chính phủ. Trong đó, điều các nhà quản lý cần đặc biệt quan tâm là hình thức kinh doanh tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ quyền lợi của hành khách theo quan điểm không hạn chế và triệt tiêu kinh doanh mà quan trọng là thúc đẩy đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, trật tự, công bằng và minh bạch” – ông Long nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Từ Sỹ Sùa – giảng viên cao cấp, Đại học GTVT cho rằng, Nhà nước bằng các quy định của mình phải tạo lập được các môi trường kinh doanh thuận lợi để các DN vận tải không kể truyền thống hay phi truyền thống cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Cũng theo ông Sùa, nếu làm tốt được điều này, ngoài việc tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các DN phát triển nó sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc, TNGT. Đây cũng là quan điểm của bà Cao Thị Lan – Phó trưởng Phòng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính. Theo bà Lan, hiện tại công ty Uber chưa bổ sung đăng ký ngành nghề kinh doanh ở Việt Nam. Và do không có ngành nghề kinh doanh nên ngành thuế chỉ có thể áp thuế đối với Uber là đơn vị pháp nhân nước ngoài, còn các vấn đề như quản lý doanh thu, giá cước, số km chạy trên đường, số lượng xe rất khó. Nếu Uber bổ sung ngành nghề kinh doanh thì các cơ quan thuế hoàn toàn có thể quản lý được số thuế của Uber, các DN, lái xe liên doanh, liên kết với Uber.

Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng - một trong những địa phương được chọn tổ chức thí điểm Đề án ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Công ty TNHH Uber Việt Nam đã chính thức xin dừng thí điểm. Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, thời điểm này chưa thích hợp để triển khai đề án và dễ nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN vận tải với nhau, có thể phá vỡ quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn. 

Từ cuối năm năm 2011, Sở GTVT Hà Nội đã ngừng không cho các DN taxi gia tăng số lượng xe mà chỉ thay thế xe đã thanh lý. Tuy nhiên, sau 4 năm tính từ tháng 3/2012, số lượng xe taxi có phù hiệu taxi Hà Nội vẫn gia tăng thêm 1.429 xe. Việc ngừng cấp phù hiệu xe taxi thực tế không làm cho số lượng các loại xe taxi, xe hoạt động như taxi (Grab, Uber), xe taxi có phù hiệu ngoại tỉnh giảm đi mà vẫn gia tăng gần 10.000 chiếc.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội  Đỗ Quốc Bình

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần