Tây Hồ xử phạt hành chính các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/5, Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành số 2 về Tháng hành động an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 TP Hà Nội đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATTP tại quận Tây Hồ.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết, hiện nay trên địa bàn quận có 1.742 cơ sở thực phẩm, trong đó có 795 cơ sở do ngành Y tế quản lý, 549 cơ sở do ngành Công thương quản lý, 398 cơ sở do ngành Nông nghiệp quản lý. Triển khai Tháng hành động ATTP, quận Tây Hồ đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành, 3 đoàn kiểm tra chuyên ngành, 1 đoàn giám sát của Trung tâm Y tế quận kiểm tra giám sát công tác ATTP. Đoàn kiểm tra đã chủ động kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
 Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc tại quận Tây Hồ
Quận đã kiểm tra 50 cơ sở, trong đó có 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 13 bếp ăn tập thể, 29 cơ sở, siêu thị, 8 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm. Qua quá trình kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính 9 cơ sở vi phạm, đình chỉ hoạt động của 1 cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống vì không có giấy tờ pháp lý theo quy định. Đoàn kiểm tra liên ngành quận đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính 5 cơ sở, xử phạt số tiền 41,3 triệu đồng. UBND các phường đã xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động và thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành và xử phạt hành chính 30 cơ sở với tổng số tiền 29,35 triệu đồng.
Kiến nghị tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND quận đề nghị trong thời gian tới được TP bố trí xe chuyên dụng cùng Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP quận kiểm tra chất lượng thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng kiểm tra, phát hiện kịp thời các thực phẩm không đảm bảo ATTP. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tại các cơ sở.
Tại buổi kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 đã kiểm tra thực tế 1 cơ sở kinh doanh thịt lợn tại chợ Phú Gia (phường Phú Thượng). Tại thời điểm kiểm tra cơ sở đã xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, có ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên cơ sở không xuất trình được các giấy tờ pháp lý liên quan tới hoạt động sơ chế kinh doanh thịt, hồ sơ nguồn gốc của các loại thực phẩm bày bán, nhân viên tại cửa hàng chưa trang bị đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động…
Buổi chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra tiếp tục kiểm tra ATTP tại quận Ba Đình. Theo báo cáo của quận, để triển khai Tháng hành động ATTP quận đã thành lập 3 đoàn liên ngành cấp quận và 14 đoàn kiểm tra liên ngành cấp phường. Tổ chức 12 lớp truyền thông ATTP cho 959 người, phát 4644 tờ rơi về ATTP…
Tuy nhiên hiện nay công tác quản lý ATTP trên địa bàn quận vẫn còn nhiều hạn chế do tồn tại nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thường hay có nhiều biến động về loại hình kinh doanh, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP số lượng ít, trình độ không đồng đều, đặc biệt là ở tuyến phường. Nhận thức của người dân và hộ kinh doanh về các quy định ATTP còn hạn chế.
Theo ông Trần Mạnh Giang – Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 2 về tháng hành động ATTP cho rằng, trong thời gian tới quận cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về ATTP với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Đẩy mạnh công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, tăng cường xử lý cơ sở vi phạm và công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hướng dẫn cơ sở thực hiện nghị định 15/2018/NĐ-CP về ATTP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần