Tết Độc lập và âm hưởng hòa bình

Hạ Đông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã 74 năm trôi qua, cứ vào dịp tiết Thu tháng Tám, người Hà Nội lại trầm tư nhớ về thời khắc lịch sử, nhớ về chặng đường đầy chông gai mà Hà Nội đã đi qua để chạm chân vào những rạng ngời của ngày hôm nay.

1.Có ai ngờ mảnh đất từng trải qua những biến cố thăng trầm, từng là tâm điểm trong âm mưu “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá” của Tổng thống Mỹ Nixon năm xưa, lại trở thành Thủ đô duy nhất của khu vực châu Á – Thái Bình Dương được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”, là điểm đến của nhiều sự kiện quốc tế quan trọng…
Những ngày mùa Thu của 74 năm về trước, tháng Tám năm 1945, cả Hà Nội sục sôi trong khí thế cách mạng và bát ngát cờ, hoa. Cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ những mặt hồ để đón mừng ngày Độc lập. Một Nhà nước mới ra đời: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Âm hưởng của bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc năm xưa, nay vẫn vang vọng giữa trời Thu Ba Đình lịch sử. Niềm vui vì nước nhà độc lập chỉ vỏn vẹn hơn một năm, để rồi Hà Nội lại bước vào cuộc chiến đấu mới trong thời khắc của dân tộc được ví như ngàn cân treo sợi tóc.
Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mùa Đông năm 1946, Hà Nội lại sục sôi khí thế với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, khởi đầu cho 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ của dân tộc với kết quả là ca khúc khải hoàn bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu để đoàn quân trở về giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Rồi lịch sử lại thêm một lần chứng kiến Hà Nội một thời đạn bom, mà đỉnh cao là trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” khốc liệt và hoang tàn cuối năm 1972.
Vì âm mưu “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá” mà Mỹ đã huy động gần 50% số máy bay B-52 (197/400 chiếc), xuất kích 741 lần và gần 1/3 số máy bay chiến thuật (1.077/3.041 chiếc), xuất kích 3.920 lần, 1/4 số tàu sân bay (6/24 chiếc) cùng nhiều tàu chỉ huy, tàu khu trục, tên lửa, radar... đến miền Bắc Việt Nam.
12 ngày đêm liên tục (từ 18/12/1972), người Mỹ đã rải trên 20.000 tấn bom xuống Hà Nội và Hải Phòng… Phố Khâm Thiên tan hoang như bị san phẳng sau những trận mưa bom rải thảm… Con phố nức tiếng “phố ăn chơi” một thuở với những chiếu hát cô đầu thâu đêm, những bàn đèn lảng bảng khói thuốc, bỗng thành một vệt phố hoang tàn, đổ nát…
Thế nhưng, người Hà Nội vẫn kiên cường bám trụ, bắn rơi B-52, đập tan âm mưu “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, làm nên trận chiến “Điện Biên Phủ trên không”, làm khiếp đảm những “thần sấm”, “con ma” của không lực Hoa Kỳ.
Rồi người Hà Nội lại nén đau thương, len vào những hoang tàn đổ nát ấy để tìm lại và khơi lên những mạch nguồn cuộc sống. Cũng chính sự kiên cường với sức sống mãnh liệt mà từ những đổ nát hoang tàn đó, Hà Nội đã được thế giới gọi tên “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
2. Những người chứng kiến đạn bom thời đó, hết thảy đều cảm nhận niềm tự hào ngấm trong từng mạch máu khi nhìn ngắm Hà Nội thay da đổi thịt từ những đổ nát năm xưa. Không ai ngờ, 27 năm sau trận mưa bom Giáng sinh ấy, ngày 16/7/1999, Hà Nội đã được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Phải tự tin nói rằng, để được chọn là 1 trong 5 TP tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội đã đáp ứng hàng loạt tiêu chí khắt khe.
Không chỉ có những đóng góp tích cực trong cuộc đấu tranh vì hòa bình cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng TP, mà Hà Nội còn có thành tích tiêu biểu về các hoạt động trong các lĩnh vực cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy đoàn kết xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề đô thị hóa, môi trường sinh thái, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ… 27 năm có thể đã là 1/3 quãng đời một con người, nhưng với sự phát triển của một mảnh đất, một TP thì quãng thời gian đó chỉ như một gang tay, một cái chớp mắt.
Thế mới thấy sức sống mãnh liệt, sự vươn lên của một Thủ đô kiên cường, nơi lắng hồn thiêng sông núi.
Sức sống ấy tiếp tục được khẳng định trong từng bước chân dựng xây của người Hà Nội hôm nay. Bởi đến thời khắc này – 20 năm sau ngày được UNESCO trao tặng danh hiệu, Hà Nội vẫn tự hào là Thủ đô duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được vinh danh "Thành phố vì hòa bình".
Bởi 20 năm này chứng kiến bao đổi thay của Hà Nội, cả về diện tích (năm 2008, Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính với quy mô từ 924km2 lên 3.344km2), lẫn dân số, sự tăng trưởng kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, đa dạng về sắc màu văn hóa…
Hà Nội hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới với những đổi thay ngoạn mục khi giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của các tỉnh phía Bắc. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng theo từng năm, TP cũng là địa điểm của 1.600 văn phòng đại diện nước ngoài, 14 khu công nghiệp cùng trên 1,6 vạn cơ sở sản xuất công nghiệp… Vì thế mà Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước. Hàng loạt công trình, tòa cao ốc, khu đô thị mới hình thành cùng những con đường xuyên tâm, những cây cầu, tuyến phố được nâng cấp, mở rộng cho thấy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội…
3. Đáng nói hơn cả là hiện tại, Hà Nội đã trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 Thủ đô, TP của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng…
Nhiều hội nghị quốc tế được tổ chức ở Hà Nội, trong đó có Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2006, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, ASEM, IPU-132… Gần đây nhất, cuối tháng 2/2019, Hà Nội lại được xướng danh là nơi kết nối, kiến tạo hòa bình, khi được lựa chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.
Không chỉ đóng vai trò cầu nối hòa bình, qua sự kiện này, hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, phát triển năng động và yêu chuộng hòa bình đã được cả thế giới biết đến. Hà Nội hôm nay thường được báo chí quốc tế nhắc đến là điểm đến đặc biệt thân thiện, an toàn kể cả với các chính khách.
Vậy là, sau hơn 70 năm kể từ cái Tết Độc lập đầu tiên và sau gần nửa thế kỷ hàn gắn vết thương chiến tranh, Hà Nội ngày hôm nay đã trở thành niềm tin và hi vọng. Bởi người Hà Nội muôn đời vẫn thế, tinh tế, hào hoa nhưng kiên cường, lạc quan và đầy khát vọng.
Cái khí thế của thuở giữa đạn bom xưa “Em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới. Bài hát đôi ta là khúc quân ca, là ước mơ xa hướng lên Ba Đình” vẫn chảy mãi trong huyết quản người Hà Nội hôm nay để bước tiếp những bước chân hào hoa ra với bạn bè quốc tế. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần