Tết không nghỉ ở phòng cấp cứu

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì được vui Xuân, đón Tết cùng gia đình, các bác sĩ tại các bệnh viện (BV) đầu ngành ở Hà Nội phải căng mình vì lượng bệnh nhân cấp cứu quá tải trong mấy ngày Tết.

 Cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày Tết. Ảnh: Nam Trần
Ám ảnh tai nạn giao thông
Tại cổng BV Việt Đức, tiếng còi cấp cứu hú liên tục trong những ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018. Cứ khoảng 10 - 15 phút lại có một chiếc xe cấp cứu lao tới, nhân viên y tế dường như không có phút giây nào được ngơi nghỉ. Nếu như ngày thường, lượng bệnh nhân cấp cứu chỉ khoảng 100 ca/ngày, thì trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, con số này tăng vọt gần 500 ca/ngày, có ngày lên đến 536 bệnh nhân. BV huy động thêm bác sĩ, đồng thời mở thêm một phòng mổ, phẫu thuật khoảng 40 bệnh nhân chấn thương nặng mỗi ngày, nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu điều trị. Bởi vậy, BV phải liên hệ với một số BV như Bưu điện, Bạch Mai, Thanh Nhàn đề nghị hỗ trợ để giảm tải bệnh nhân.

Là người trực cấp cứu trong những ngày Tết, bác sĩ Bùi Trung Nghĩa - khoa Cấp cứu, BV Việt Đức kể: "Những ngày qua, số bệnh nhân cấp cứu quá đông, ngay ngày 30 Tết, BV tiếp nhận khoảng 450 ca cấp cứu, chủ yếu là chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Toàn bộ máy thở đều sử dụng hết công suất”. Nhiều ca tai nạn thương tâm vẫn còn ám ảnh kíp trực, như trường hợp bố chở 2 con bị tai nạn ở Bắc Giang, làm bé gái 9 tuổi tử vong tại chỗ. Người bố và cậu con trai nhỏ được chuyển đến BV Việt Đức cấp cứu, trong đó, bố bị vỡ tụy, gan, thận đã được mổ cấp cứu ngay trong đêm 30 Tết, tuy nhiên ruột non bị dập nát toàn bộ phải cắt. Bé trai 4 tuổi bị chấn thương sọ não nặng.

Tại khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, các bác sĩ rơi vào tình trạng kiệt sức vì phải cấp cứu quá nhiều. Bệnh nhân chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa. Còn tại BV E, khoa Cấp cứu đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mỗi ngày. Riêng đêm 30, rạng sáng mùng Một Tết, các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu 5 ca chấn thương sọ não, hầu hết bị tai nạn giao thông sau khi uống rượu, bia.

Hàng trăm trường hợp say rượu

Bất chấp khuyến cáo của bác sĩ và những bài học nhãn tiền về hậu quả kinh hoàng của tình trạng bia, rượu quá đà, rất nhiều người phải nhập viện cấp cứu vì “ma men” trong Tết này. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 30 đến 17giờ ngày 5 Tết, cả nước ghi nhận gần 37.376 ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông, phần lớn liên quan đến bia, rượu. Trong đó, hơn 14.000 trường hợp nhẹ được xử trí và cho về trong ngày; hơn 8.000 trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Số tử vong do tai nạn giao thông là hơn 110 trường hợp, tăng so với cùng thời điểm Tết năm ngoái.
Trong khi đó, số ca cấp cứu do đánh nhau vẫn tiếp tục gia tăng với 4.184 trường hợp từ ngày 30 đến mồng 5 Tết (giảm 19,2% so với dịp Tết 2017) nhưng số ca phải nhập viện điều trị nội trú là 2.773 trường hợp (tăng 14,6% so với cùng thời gian năm 2017). Cùng với đó, số tai nạn do pháo nổ tiếp tục tăng so với 5 ngày Tết Đinh Dậu 2017 với hơn 200 trường hợp đến khám, cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng – Trưởng khoa Cấp cứu, BV Việt Đức cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ, Tết, các bác sĩ phải làm việc hết công suất vì khoa luôn trong tình trạng quá tải. Số người nhập viện cấp cứu chủ yếu liên quan đến rượu, bia. Ngay sáng mùng Một Tết, một ca bệnh khiến bác sĩ ám ảnh là trường hợp bệnh nhân say rượu, bị bạn bè khích đã tự đâm vào ngực mình thủng tim. Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu 4 tiếng đồng hồ để khâu vết thương sâu ở tim.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, chỉ tính trong 3 ngày Tết đã có gần 400 người vào viện vì say rượu, bia. Bộ Y tế lo ngại những ngày đầu đi làm trở lại, có thể sẽ tái diễn tình trạng lạm dụng rượu, bia, số người nhập viện lại tăng lên như những năm trước. Đặc biệt, tới đây, rất nhiều lễ hội kéo dài đến hết tháng 3, cũng là mối lo ngộ độc nói chung, ngộ độc rượu nói riêng.
Theo Cục An toàn thực phẩm, trong năm 2017, số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện, 11 người tử vong. Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều nhất vào thời gian từ tháng 2 - 4, trùng với thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Tính chung 5 năm qua, số ca ngộ độc rượu ở thời điểm tháng 2 - 4 hằng năm đều tăng vọt 40 - 50% so với các tháng còn lại.

Trong dịp Tết Nguyên đán, cả nước không ghi nhận ổ dịch cúm, sởi, sốt xuất huyết và cũng không ghi nhận vụ ngộ độc tập thể nào. Trong 3 ngày Tết, các BV cả nước đón gần 8.650 em bé chào đời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần