Tết Tân Sửu 2021: Đủ hàng hóa phục vụ dân

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 bùng phát vào thời điểm cận kề Tết Tân Sửu khiến người tiêu dùng (NTD) lo ngại nguồn hàng hóa thiết yếu thiếu hụt, tăng giá mạnh. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Công Thương Hà Nội đã cam kết đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tất bật sắm Tết
Trong hai ngày cuối tuần qua, tranh thủ thời gian được nghỉ, nhiều người dân Hà Nội đã tất bật đi sắm Tết. Các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tạp hóa có khá nhiều người đến tham quan, mua sắm, nhất là các mặt hàng thực phẩm, đồ trang trí Tết.

Ngày 6/2, ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, lượng hàng hóa phục vụ Tết rất dồi dào, đặc biệt là các mặt hàng thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản. Tuy nhiên, sức mua lại rất kém. "Hôm nay tôi lấy 1/2 con lợn với trọng lượng khoảng 65kg nhưng đến giờ này (11 giờ 28) vẫn còn 1/3. Các loại rau thì từ sáng đến giờ túi buộc vẫn nguyên vì không ai hỏi đến" - bà Nguyễn Thị Tuyết, kinh doanh thực phẩm tại ngõ 56 Doãn Kế Thiện (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ.

Nguồn tin từ các thương nhân cho biết, ngày 6/2, giá lợn hơi đồng loạt giảm ở cả ba miền. Đặc biệt, giá lợn hơi tại Lào Cai giảm mạnh tới 5.000 đồng/kg, bán ra với giá 75.000 đồng/kg. Các địa phương khác đều điều chỉnh giá lợn hơi giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại miền Bắc từ 75.000 - 81.000 đồng/kg; tại miền Trung: 79.000 - 81.000 đồng/kg; tại miền Nam: 78.000 - 80.000 đồng/kg. “Giá thịt lợn và thực phẩm khác dù áp Tết nhưng vẫn rẻ hơn cả ngày thường mà sức mua vẫn kém” - bà Trần Thị Hồng - kinh doanh thịt tại ngõ 122 Mai Dịch (Hà Nội), chia sẻ.

Khảo sát tại chợ Đồng Xa (Cầu Giấy - Hà Nội) trong sáng 6/2 cho thấy: Giá thịt bò và thịt gia cầm giữ nguyên. Thịt lợn giảm thêm 5.000 đồng/kg so với ngày hôm qua, thịt gà công nghiệp giảm 5.000 đồng/kg, nhưng lượng hàng bán ra không tăng so với ngày thường. Các loại thủy sản, hải sản giá giữ nguyên tương đương các ngày trước đó, sức tiêu thụ vẫn không tăng.

"Dù không tăng giá nhưng sức mua không có biến động, rất khác với mọi năm vào thời điểm này hàng trôi vèo vèo, đặc biệt là các mặt hàng đặc sản như tôm, mực, hàu, ốc biển" - chị Nguyễn Thị Thanh Huyền - kinh doanh hải sản tại chợ Đồng Xa cho biết.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đa phần người dân đi mua sắm Tết đều có ý thức tuân thủ các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay…

Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó dịch

Ghi nhận của báo Kinh tế & Đô thị tại hệ thống siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội những ngày qua cho thấy, hàng hóa khá dồi dào, giá bán không tăng. Tại các siêu thị Co.opmart, Hapro, Vinmart, Big C đầy ắp hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm với nhiều chương trình khuyến mại. Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong Tết, hệ thống siêu thị Co.opmart toàn quốc đã dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu phòng, chống dịch và bảo đảm phục vụ 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu 2021, với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2019. Trong đó phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho dự trữ 9 nhóm hàng bình ổn thị trường.

Tương tự, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân thông tin: Dự báo nhu cầu mua hàng thực phẩm tươi sống của NTD tại hệ thống siêu thị Big C dịp Tết sẽ tăng khoảng 50% nên DN đã làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn cung ứng. Trong đó thịt lợn tăng khoảng 20%, thịt gia cầm 25% so với Tết năm 2020.

Nhằm đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu DN bán lẻ chủ động liên kết với các tỉnh, thành để bảo đảm đủ nguồn hàng với 17 mặt hàng thiết yếu. “Đến nay, 30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn ước tổng giá trị đạt 39.400 tỷ đồng. Đặc biệt, các đơn vị còn mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường, xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình 7 - 22% so với kế hoạch Tết năm 2020” - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin.

Doanh nghiệp đẩy mạnh bình ổn giá

Thực tế cho thấy, muốn ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý đòi hỏi ngành Công Thương và các DN bán lẻ cần đẩy mạnh triển khai hoạt động bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết. UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội. Trong đó tập trung bình ổn giá các nhóm hàng có những tính chất thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân và các nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp lễ, Tết.

Mặc dù UBND TP dừng việc hỗ trợ DN vốn dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu qua đó bình ổn giá, ngăn chặn tăng giá bất hợp lý nhưng các DN đã tích cực dự trữ các mặt hàng bình ổn giá bằng nguồn vốn tự có. Trưởng ban đối ngoại Marketing - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuộc Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Thu Hiền thông tin: Mặc dù UBND TP không tạm ứng vốn cho các DN tham gia chương trình bình ổn giá nhưng Hapro đã dự trữ 8 nhóm hàng bình ổn gồm dầu ăn, gạo, đường, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, trứng gia cầm… trị giá trên 200 tỷ đồng.

Hệ thống siêu thị Vinmart cam kết sẽ không tăng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát… Hệ thống siêu thị Big C cam kết từ nay đến hết ngày 11/2 (30 Tết) không tăng giá bán sản phẩm phục vụ Tết, đặc biệt, giá không đổi này sẽ được giữ cố định như niêm yết ngay cả khi trên thị trường có biến động tăng. Nhưng nếu những sản phẩm trên, Big C cũng sẽ điều chỉnh giảm tương ứng.

Đánh giá về việc các DN bán lẻ đẩy mạnh triển khai hoạt động bình ổn giá, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Ðông khẳng định, đến thời điểm này nguồn hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán không thiếu, không có tình trạng "sốt" hàng hoặc giá cả tăng cao đột biến do chương trình bình ổn thị trường đã được nhiều địa phương như Hà Nội tập trung triển khai tốt.

Việc các DN phân phối lớn đẩy mạnh tổ chức hoạt động bình ổn giá bằng nguồn vốn xã hội hóa, cam kết không tăng giá hàng hóa có tác dụng kiềm chế tình trạng tăng giá bất hợp lý của thị trường tự do những ngày áp Tết Tân Sửu 2021.
Nhằm đưa hàng bình ổn giá đến với người tiêu dùng, từ nay đến hết ngày 11/2, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức loạt sự kiện xúc tiến thương mại như: Triển khai 12.443 điểm bán hàng bình ổn giá, các hội chợ hàng hóa nông sản, thực phẩm trong tháng 1 và tháng 2 với quy mô dự kiến khoảng 300 gian hàng; tổ chức 88 chợ hoa Xuân phục vụ Tết, nhiều chuyến bán hàng lưu động về khu vực ngoại thành, các khu công nghiệp. Hỗ trợ các tỉnh, TP tổ chức ba đến năm tuần hàng tại Hà Nội.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan