Tết Thanh minh - nét đẹp đạo đức của người Việt

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh minh tuy không phải là Tết lớn như Tết Nguyên Đán nhưng lại gắn liền với đạo đức, hiếu nghĩa của con cháu tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết. Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 45 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Ngày đầu tiên của tiết được xem là Tết Thanh minh. Thanh minh là sáng sủa, trời đất bắt đầu kết thúc những ngày tháng mưa Xuân, tiết trời mù mịt chuyển sang bầu trời trong sáng. 
Tiết Thanh minh năm nay bắt đầu từ ngày 5/4 Dương lịch (tức 20/2 Âm lịch), kết thúc vào ngày 20/4 Dương lịch.

 Nhiều người đã giảm lược sắm sanh lễ vật cúng ngoài mộ, chỉ còn hoa tươi, tiền vàng và hương.
Theo tục lệ cổ truyền, Tết Thanh Minh được coi là ngày giỗ tổ chung để mọi người, mọi nhà có dịp báo hiếu với chân linh tổ tiên, ông bà, bố mẹ đã khuất, phần nào đền đáp công ơn sinh thành, tạo dựng cội nguồn tổ tiên, bồi đắp gia phong.
Chính vì thế, vào Tiết Thanh minh, con cháu thường đi tảo mộ để cắt cỏ, đắp lại phần mộ của người đã khuất, cắm những cành hoa tươi, nén nhang thơm để tỏ lòng thành kính đối với các bậc sinh thành.

Khác với các lần tảo mộ khác trong năm, tảo mộ trong Thanh minh không nhất thiết phải đi vào đúng ngày Tết (ngày đầu tiên của Tiết) mà đi vào bất kỳ ngày nào trong Tiết. Bởi thế, Nguyễn Du có câu “Thanh minh trong Tiết tháng Ba; Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. 

Theo tục lệ, người đi tảo mộ cũng sắm sanh lễ vật khác so với các lần tảo mộ khác đó là: Các gia đình chuẩn bị một bộ tam sinh (gồm 1 miếng thịt lợn, 3 - 5 con tôm, hoặc cua, trứng vịt 1 - 3 - 5 quả). Bộ tam sinh là 3 loài vật đại diện cho Thổ - Thủy - Thiên có nghĩa sống trên cạn, dưới nước, trên trời. Bộ tam sinh còn có nghĩa là đức. Dâng ngoài mộ cùng với các vật phẩm nhang, đèn, giấy ngũ sắc, quần áo giấy, vàng mã, hoa quả tươi.

Tùy theo mỗi vùng miền, mâm cỗ tam sinh khác nhau, ở Huế người dân thay thịt lợn bằng mép bò, dồi trường, lưỡi heo; còn ở miền Nam thì cúng thêm cá lóc… Ngày nay, nhiều nhà đã giảm lược sắm sanh lễ vật. Thường người ta chủ yếu mua hoa, tiền vàng, trái cây thắp hương ngoài mộ.
Đây là lễ vật kêu khấn Thổ địa, Thần tài cai quản phần mộ chân linh gia tiên của mình yên nghỉ chứ không phải dâng cúng gia tiên. Đây là vị thần mà dân gian ta thờ cúng với mong muốn cầu bình an, sung túc cho gia chủ. Trong lời văn khấn ngoài xin mọi sự bình an, thịnh vượng, con cháu xin Thổ địa, Thần tài cai quản phần mộ cho chân linh gia tiên được về nhà cùng con cháu vui xuân, đón Tết Thanh minh.

Sau buổi đi tảo mộ, con cháu trong nhà tổ chức dâng lễ mặn, nấu chè, bày biện hoa quả, tiền vàng… dâng cúng gia tiên thể hiện lòng biết ơn, đức phận làm con cháu đáp nghĩa đối với đấng sinh thành. Nếu Tiết Thanh minh vào tháng 3 Âm lịch, nhiều nhà còn làm các loại bánh trôi, bánh chay để dâng gia tiên, kết hợp với cúng Tết Hàn thực.
Theo ghi nhận của phóng viên, hôm nay (4/4), trước Thanh minh một ngày nhiều người dân Hà Nội đã đến các nghĩa trang tảo mộ, sửa sang, thắp hương, đặt hoa quả thành kính tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần