Tết trên xóm phà xưa
Kinhtedothi - Con nước ba mươi cuối năm từ phía cửa biển lớn nhanh. Tiếng bìm bịp kêu nước lớn đêm nay sao nghe buồn rười rượi.
Tiếng nam ca sĩ nào đó cứ lồng lộng trên sông lạnh bài hát “Áo mới Cà Mau” da diết tái tê lòng”...Nghe nói Cà Mau xa lắm....”, “Cà Mau mặc thêm áo mới, về Cà Mau là thấy thương em liền…”.
Xóm nhỏ ven sông cầu Năm Căn đêm nay không ngủ. Người vui vì từ nay thôi đò giang cách trở. Người buồn vì thôi làm cái chuyện đưa rước người qua sông trên những chuyến phà, trên những chuyến tàu cao tốc hàng chục năm qua.
- “Dô một ly đi anh Tám, rồi đâu cũng vào đó thôi. Trên Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre cũng như mình thôi. Cũng khánh thành cầu mới. Cũng...” - tiếng chú Hai Khỏe ồm ồm cất lên để phá bầu không khí căng thẳng.
- Dô thì dô, mừng thì có mừng nhưng mầy biểu hổng buồn sao được. Tao đã làm nghề lái phà từ giải phóng tới nay. Giờ chia tay nó, nhớ chịu hổng nổi. Giọng chú Tám Lê đáp lại thật buồn.
- “Thì tui nói cho vui vậy thôi, chớ tui cũng như anh thôi, ở đâu quen đó, vài bữa nữa tụi tui nhận công tác mới rồi. May là còn được ôm mấy cái "vô lăng”, chứ như anh nghỉ hưu buồn "đứt ruột” - Hai Khỏe trêu chọc rồi cười oang oang.
Đêm ba mươi tối đen như mực. Mặt nước phẳng lì và yên ắng lạ thường. Không còn nghe tiếng máy ầm ầm, tiếng còi hụ lanh lảnh của những chuyến phà vượt sông. Chú Tám ngồi bật dậy bước ra khoảng sân rộng nhìn sông, hai bàn tay xoắn vào nhau kêu răng rắc. Có lẽ chú đang nhớ về những kỷ niệm xưa, thời mà chú cùng bao đồng nghiệp lặng thầm với công việc đưa rước khách qua sông. Ai mà tính hết có bao nhiêu người qua lại để đoàn tụ gia đình, để hẹn hò đôi lứa yêu nhau nhưng mấy ai biết mặt người tài công đen đúa đang khuất mình trên chiếc ca bin chật hẹp làm nhiệm vụ của mình.
Chiếc cầu Năm Căn mới khánh thành to đùng rực sáng ánh đèn đêm tạo những khoảng sáng nhấp nháy, lấp lánh xuống dòng sông. Xe cứ nối đuôi nhau qua cầu chở theo bao niềm vui khấp khởi của mọi người. Cũng là lẽ thường. Ước mơ cả trăm năm nay mới thành hiện thực.
Hồi chiều cả xóm nhỏ này rất khác thường. Người lớn thì lặng im không ai nói gì với nhau dù chỉ một lời. Trẻ con thì náo nức rủ nhau đi chơi ở cầu mới, tiếng nói cười rang rảng vô tư. Tiếng con Thu con chú Tám Lê phấn chấn:
- Ba ơi, chiều đi chơi cầu mới. Đẹp lắm. Vậy là từ nay con hết sợ trễ học rồi, muốn "dìa” "thăm nội hồi nào cũng được. Thiệt là đã.
- “Ừa, thì phải có cầu thôi, có vậy thì người dân quê mình mới mần ăn khấm khá, nhưng mà...” - nói đến đó chú im bặt.
- Nhưng mà nhưng cái gì hả ba? Bộ ba hổng vui sao?
- Vui chớ, nhưng cứ thấy có cái gì đó luyến tiếc khó tả lắm con ơi.
Nói xong chú quay mặt đi như cố kềm chế sự xúc động đang tràn lên lồng ngực. Bao năm lênh đênh trên sông nước, chú đã từng nếm trải biết bao kỷ niệm buồn vui. Nhớ lắm mùa nước lũ từ thượng nguồn đổ về ầm ập, những dề lục bình trôi đầy ắp mặt sông tạo những khoảng xanh mát dịu. Nhớ lắm cảm giác chòng chành lái phà trong cơn mưa bão, nước mưa tạt ướt cabin len qua khung cửa làm ướt cả quần áo. Những chuyến phà đêm ngày Tết vô cùng vất vả nhưng rất hạnh phúc, nhất là được đưa khách qua sông trong thời khắc giao thừa, để niềm vui tiếp nối những niềm vui.
Có một kỷ niệm cứ mãi đeo mang trong tiềm thức chú cho đến hôm nay. Cách đây đã mười lăm năm trong cơn mưa tầm tã tháng mười. Đang ngồi trên ca bin bỗng chú thấy một cô gái nhoài người ra lan can mỏ bàn phà và nhảy xuống sông. Mọi người nhốn nháo la vang nhưng không ai đủ can đảm lao xuống dòng sông đang chảy xiết đến rợn người. Nhanh chóng cho máy dừng lại, chú đã lao xuống sông trong khi cô gái đang cố vùng vẫy trong sự tuyệt vọng mong manh. Những chiếc phao được ném xuống liên tục, khá nhiều nhân viên phà cũng bơi ra tiếp cứu. Lần ấy, cô gái được cứu sống. Mấy ngày sau, chính cô gái ấy đến tìm chú nói lời xin lỗi muộn màng.
- Chú tha lỗi cho con, con nông nổi quá, báo hại suýt nữa làm liên lụy tới chú.
- “Có gì đâu cháu. Chuyện bình thường, nhưng mà nè, đừng có liều mạng kiểu đó nữa nghe. Trời đất, còn phải trả hiếu cho cha mẹ nữa chớ” - chú ôn tồn.
Vậy là mỗi tháng cô ấy đều đến thăm gia đình chú với niềm hạnh phúc lớn lao. Chú là người đã tái tạo ra cô lần thứ hai, giành giật sự sống cho cô từ tay thủy thần sông nước.
- “Ra đây chi vậy cho lạnh lẽo, anh Tám?” - tiếng Hai Khỏe cắt ngang dòng suy nghĩ của chú.
- Tao nhớ quê quá, chắc nay mai "dìa” Đất Mũi thăm bà con làng xóm. Sẵn coi có chuyện gì làm ăn chớ nghỉ hưu rồi buồn lắm. Với lại... ở đây ra vô thấy bên phà trống rỗng chịu hổng thấu mầy ơi!
Quê chú và Hai Khỏe tuốt dưới miệt Đất Mũi xa tít. Hồi nhỏ, cả hai vốn nổi tiếng với tài bơi lội trên sông. Có lần chú và Hai Khỏe nổi hứng chặt bập chuối thả trôi ra biển chơi. Ở nhà, cả hai gia đình nhốn nháo đi tìm xấc bấc xang bang, hàng xóm rước thầy bói xủ quẻ xem sống chết ra sao. Khổ một điều, thầy bói coi rằng cả hai đã chết trôi, ba bữa sau mới vớt xác được, làm má chú khóc suốt đêm. Tới khuya, cả hai quá giang mấy chiếc ghe đóng đáy trở về. Lần đó, hai người bị trận đòn nhừ tử phải nghỉ học mấy ngày liền.
Vậy mà cái nghiệp sông nước cứ như là duyên phận với chú và Hai Khỏe. Mới đầu, gia đình ra sức cản ngăn nhưng thấy tính nết và sự đam mê của chú quá lớn nên dần dà thay đổi ý định. Nói cho cùng, gia đình chú cũng quá nặng nợ với sông nước quê hương. Nhà có bảy anh em trai thì đã có sáu người làm tài công, thủy thủ, trong đó có hai người hy sinh trên những chuyến tàu không số chở vũ khí vào Nam, đã nhiều lần cặp bến sông quê của chú.
Nhiều lần chú được chú Bảy Phong – sau nầy chú mới biết là Bí thư Huyện ủy nhờ dẫn đường cho mấy chuyến tàu cặp bến an toàn. Khi bị truy đuổi, chú phóng cái ùm xuống sông mất dạng.
- “Tao bái phục cái gan trời của mầy, Lê ơi. Thấy đó rồi biến mất tiêu, tao sợ có ngày hà bá kêu mầy quá”, thường thì các chú, các cô hay nói đùa với chú như vậy.
- “Còn khuya mới “ngủm”. Tui tuổi con rái cá, nên chết trôi sao coi được” - chú hể hả trả lời.
Vô đội đặc công mấy tháng mà chú đã khiến bọn lính thủy của Mỹ - ngụy mất ăn mất ngủ, khi thì bị đánh mìn chìm tàu, khi thì bị chú đột nhập lấy mất nhiều vũ khí. Có lần chú nói vui cùng bạn bè:
- Chiến công của tao đáng lẽ được phong tặng ba lần anh hùng mới đáng. Nhưng thôi, để làm kỷ niệm kể lại cho con cháu nghe chơi.
Hòa bình thống nhất, chú đăng ký công tác tại bến phà nầy cho đến bây giờ. Mới đó mà đã bốn mươi năm. Con sông nầy hồi chú mới bắt đầu sự nghiệp lái phà đâu có rộng lớn như bây giờ. Họa hoằn lắm mới có vài chiếc xe đò xuống phà qua sông. Xuồng ghe chạy đặc ngừ trên sông. Đứng trên cabin hướng về cửa biển luôn là niềm vui của chú mỗi ngày.
- “Bác Tám ơi!”, tiếng con Thắm, con thằng Tư “mỏ lết” gọi vang.
- Tao đây nè. Bây kêu tao có chuyện gì hôn?
- Ba con và mấy cô chú mời bác tới nhà con để lai rai. Tối nay giao thừa mà bác.
Nhà Tư “mỏ lết” sáng choang đèn đuốc. Mấy chiếc chiếu trải hết mặt sân. Có đủ cả. Con Hoa, con Hằng bán vé, thằng Sáu “cờ lê” tài công, thằng Nam, thằng Tuấn máy trưởng, anh Sáu tài công.
- “Hôm nay, ngày cuối năm 2015, chúng ta trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng, chúng ta đã hoàn thành sứ mạng lịch sử vô cùng vẻ vang. Nào hai, ba, dô trăm phần trăm”, tiếng Tư “mỏ lết” hùng hồn.
Tiếng chạm ly lốc cốc vang lên. Tiếng cười nói ra rả trái hẳn với không khí ban chiều.
- “Tụi tui chuyển công tác mới, hơi vất vả do chưa quen, nhưng không sao, mình phải vì mọi người thôi, trong đó có niềm vui của gia đình mình nữa chứ” - tiếng Hoa từ tốn.
- “Tụi tao thì nghỉ hưu vui hưởng tuổi già, nè mai mốt có ai muốn nghe kể chuyện về phà Năm Căn nhớ chỉ lại gặp tao, bảo đảm không thu lệ phí” - tiếng anh Sáu phấn chấn khôi hài.
Hàng dừa cặp sông khua xào xạc mỗi lúc mỗi mạnh như muốn cùng tham gia buổi tiệc lạ thường này. Xa xa cầu Năm Căn thấp thoáng như một vầng trăng non mọc sớm. Xa hơn nữa là ánh hào quang rực sáng cả một vùng trời.
Xóm nhỏ ven sông đêm nay cũng không ngủ với bao buồn vui lẫn lộn mà chỉ có họ mới hiểu và lý giải được cho mình.
![]() Minh họa: Quỳnh Hoa
|
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
TAG:
-
Lan toả tình yêu thương từ âm nhạc đến với trẻ em thiếu may mắn
Kinhtedothi - Ban Tổ chức chuỗi âm nhạc Lam Phương “Trăm nhớ ngàn thương” trao tặng chi phí 5 ca phẫu thuật tương đươ...XEM THÊM -
[Lăng kính văn hóa] Lời đồn
Kinhtedothi - Sáng 19/1, trên fanpage truyền hình VOV đã đăng thông tin nhạc sĩ Trần Tiến về với đất mẹ sau thời gian...XEM THÊM -
Tài liệu quý “Từ Đại hội đến Đại hội”
Kinhtedothi - Ngày 19/1, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng T.Ư Đảng tổ chức trưng bày chuy...XEM THÊM -
Lịch thi đấu chi tiết vòng 2 V-League 2021
Kinhtedothi - Sau vòng 1 với những bất ngờ khi hàng loạt ứng cử viên cho chức vô địch nhận thất bại, người hâm mộ đan...XEM THÊM -
Bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu năm 2020: Danh hiệu gọi tên các VĐV trẻ nổi bật?
Kinhtedothi - Trong danh sách bầu chọn vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) tiêu biểu; VĐV, HLV thể thao người ...XEM THÊM -
Có một thử thách mang tên Sài Gòn FC
Kinhtedothi-Với ngân sách 100 tỷ đồng/năm, HLV Đức Thắng đã đưa về Topenland Bình Định 16 tân binh với mục tiêu lọt v...XEM THÊM
-
“Hướng dương ngược nắng” tập 18: Châu va phải Phúc, những ân oán với Cao gia thêm hấp dẫn
Kinhtedothi - Châu thất thần đi trên phố, như kiểu cô đang thất tình. Tình cờ cô và Phúc va phải nhau. Phải chăng, những vòng tròn liên đới, ân oán với gia tộc họ Cao sẽ không chỉ có Minh, Trí, Ki...19-01-2021 23:01
-
VOV sẽ tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh nhiều chương trình Đại hội Đảng XIII
Kinhtedothi - Theo kế hoạch tuyên truyền, VOV sẽ tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh Lễ khai mạc, Lễ bế mạc và Chương trình Đại nhạc hội chào mừng Đại hội Đảng XIII. Chương trình này sẽ tiếp...19-01-2021 16:01
-
Trưng bày hơn 200 tư liệu, hình ảnh tiêu biểu về Đại hội Đảng
Kinhtedothi - Sáng 19/1, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng T.Ư Đảng khai mạc Trưng bày chuyên đề “Đảng cộng sản Việt Nam - Từ Đại hội đến Đại hội”. Triển lãm hướng tới kỷ...19-01-2021 13:42
-
Hà Nội FC-Bình Dương: Cơ hội cho HLV Chu Đình Nghiêm
Kinhtedothi-Nào là sân ướt, cầu thủ chấn thương, những lý do bào chữa cho thất bại 0-3 của Hà Nội FC trong ngày đầu ra quân trên sân Thiên Trường. Trận gặp B.Bình Dương trên sân Hàng Đẫy được coi l...19-01-2021 12:31
-
Fanpage truyền hình VOV đăng tải thông tin xin lỗi nhạc sĩ Trần Tiến và gia đình
Kinhtedothi – Sáng 19/1, trên fanpage truyền hình VOV đã đăng thông tin nhạc sĩ Trần Tiến về với đất mẹ sau thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư vòm họng. Thông tin này khiến gia đình nhạc sĩ T...19-01-2021 11:43
- Hà Nội: Bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch Covid-19 tại Đại hội Đảng
- Hàng loạt chuyến bay đến Nội Bài phải chuyển hướng vì thời tiết xấu
- Ông Nguyễn Minh Long giữ chức Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội
- Đón người dân tham quan đoàn tàu Nhổn - Ga Hà Nội vào ngày 23/1
- Các tuyến xe buýt điều chỉnh lộ trình phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
- Hà Nội gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Tập trung thực hiện thật tốt để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác bầu cử
- Giá vàng thế giới tăng vọt trong ngày ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ