Thạch Thất đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 19/4, huyện Thạch Thất (Hà Nội) tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020.

Tới dự buổi lễ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025"; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư, TP Hà Nội, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND và đông đảo Nhân dân huyện Thạch Thất.
Các đại biểu đến dự tại buổi lễ.
Hoàn thành đạt chuẩn các tiêu chí
Trình bày báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, giai đoạn 2010 - 2020 huyện đã huy động tổng số nguồn vốn để bố trí thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM) là: 4.994.630 triệu đồng.
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là: 4.108.464 triệu đồng (chiếm 82,25%), gồm: Ngân sách Trung ương: 4.000 triệu đồng. Ngân sách TP: 1.446.561 triệu đồng (chiếm 28,96%). Ngân sách huyện: 2.577.692 triệu đồng (chiếm 51,6,9). Ngân sách xã: 80.211 triệu đồng (chiếm 1,6%); vốn ngoài ngân sách: 886,166 triệu đồng (chiếm 17,74%) gồm: Vốn doanh nghiệp, HTX: 168.914 triệu đồng (chiếm 3,38%). Vốn đóng góp của nhân dân: 382.713 triệu đồng (chiếm 7,66%). Vốn xã hội hóa và các nguồn vốn khác: 334.539 triệu đồng (chiếm 6,7%).
“Ngoài ra, các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn huyện cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM với tổng dư nợ đến hết năm 2020 trên 6.598.101 triệu đồng, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, phát triển kinh tế của huyện Thạch Thất trong những năm qua. Về nợ xây dựng cơ bản, đến hết năm 2020 huyện không còn nợ đọng xây dựng cơ bản” - ông Nguyễn Mạnh Hồng cho hay.
Tính đến hết năm 2017, huyện Thạch Thất đã hoàn thiện đạt chuẩn các tiêu chí về NTM, 21/21 xã của huyện được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tổng số đơn vị hành chính trên địa bàn huyện gồm: 22 xã, 1 thị trấn (trong đó 21 xã xây dựng NTM, xã Thạch Hòa nằm trong quy hoạch đô thị Hòa Lạc nên không tiến hành xây dựng NTM.
Các tiêu chí về xây dựng NTM về: Quy hoạch; Giao thông, Thủy lợi, Điện, Y tế - Văn hóa - Giáo dục, Sản xuất, Môi trường, An ninh - Trật tự xã hội, Chỉ đạo xây dựng NTM... đều hoàn thành đạt chuẩn 100%.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng trình bày báo cáo kết quả xây dựng NTM của huyện.
Tiếp tục nâng cao thu nhập
Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, sau khi hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao một số tiêu chí đến năm 2025, cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/người/năm. Duy trì tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM 100%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao 40%, NTM kiểu mẫu 25%.
Phấn đấu xây dựng huyện NTM nâng cao; tỷ lệ thôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh văn hóa 85%. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa 95%. Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa 90%. Tỷ lệ trường công lập (Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia 100%, trong đó số trường đạt chuẩn mức độ 2 trên 30%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt trên 80%. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 1%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên 65%.
“Phấn đấu đến năm 2025, huyện Thạch Thất cơ bản không còn hộ nghèo (theo tiêu chí của TP). Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100%. Tỷ lệ rác thải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý trong ngày đạt 100%. Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ cụm công nghiệp, làng nghề có trạm xử lý nước thải 100%”, ông Nguyễn Mạnh Hồng cho biết thêm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định công nhận NTM cho huyện Thạch Thất.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao kết quả chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM. Đồng thời cho rằng, với lợi thế là vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Đoài; có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, theo quy hoạch khu vực Hòa Lạc là đô thị vệ tinh - hành lang xanh; đồng thời, huyện có Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Đại học Quốc gia là trung tâm khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo; các làng nghề của huyện hình thành khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp kết hợp dịch vụ, du lịch và sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, tạo ra vùng sản xuất đa dạng, phong phú cho khu vực phía Tây của Hà Nội.
Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn được giữ ổn định, bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 14,92%/năm; thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 890,3 tỷ đồng (tăng 788,5 tỷ đồng so với năm 2010). Hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển nhanh và mạnh với 1.605 doanh nghiệp, hợp tác xã và 20.885 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Tất cả 19/19 tiêu chí của 21/22 xã đạt tiêu chí xây dựng NTM, 9/9 tiêu chí của huyện đều đạt theo quy định của Trung ương. Trong đó, nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 100%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,6%; đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm chỉ còn 0,27%; thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, đến hết năm 2020 đạt 70 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2010 (cao hơn kết quả chung của TP năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của TP đạt 55 triệu đồng/người/năm). Hiện nay, huyện có 1 xã (xã Đại Đồng) đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
“Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, TP; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Thạch Thất để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM một cách chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại những hiệu quả thiết thực” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Các đại biểu cắt băng khai trương Hội chợ giới thiệu sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP huyện Thạch Thất.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí NTM theo hướng nâng cao, NTM kiểu mẫu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu huyện Thạch Thất cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, cần bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, Chương trình công tác số 04 của Thành ủy để tiếp tục phát huy các thành quả của việc xây dựng NTM trong 10 năm vừa qua. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quá trình nỗ lực, phấn đâu xây dựng NTM của huyện để từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể thực hiện và là đối tượng được thụ hưởng những kết quả tích cực từ chương trình xây dựng NTM.

Thứ hai, tiếp tục rà soát lại các quy hoạch; trong đó, lưu ý rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các xã gắn với các tiêu chí của đô thị, với phương châm quy hoạch phải đi trước một bước để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM theo hướng nâng cao, mẫu, gắn với phát triển Khu đô thị Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Làng văn hóa các dân tộc; Khu Đại học Quốc gia trong tổng thể phát triển huyện (gắn định hướng phát triển dân cư).

Lãnh đạo TP Hà Nội thăm quan các gian hàng làng nghề tại hội chợ.

Thứ ba, Xây dựng NTM phải gắn với phát triển kinh tế địa phương, chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Phát triển nghề, làng nghề có thế mạnh của địa phương. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ. Đồng thời quan tâm phát triển dịch vụ, thương mại để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp nhưng giá trị tuyệt đối cao.

Thứ tư, tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận và hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường khu vực nông thôn theo hướng "sáng - xanh - sạch - đẹp".

Thứ năm, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, có tâm huyết, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và ổn định xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần